(Nhân đọc bài thơ “Tháng tư về” của tác giả Vu Trầm, đăng trên Báo Bình Thuận cuối tuần, số ra ngày 29/3/2024 ).
Nhà thơ – nhà giáo Vu Trầm vừa gởi đến độc giả một bài thơ viết dưới mái trường những ngày chớm hạ. Nhà thơ gói ghém vào “Tháng tư về” những rung cảm mới mẻ, cùng sự diễn đạt khác lạ qua những ngôn từ.
Những nỗi xuyến xao nào đã được nhà thơ của chúng ta bộc lộ trong bài? Có phải chăng, đó là: “Lần lữa mãi xuân cũng đành từ tạ/ Mùa nghiêng trong nắng quái, tháng tư về”. Dù có cố kéo dài thời gian ra để trì hoãn, thì rồi xuân cũng đành phải nói lời chia tay thôi. Để rồi, đất trời cũng phải chuyển sang một giai đoạn khác, thời tiết khác, để “Mùa nghiêng trong nắng quái”. Đổi mùa, chớm hạ, nắng đã khác hơn dưới góc nhìn của nhà thơ.
Không chỉ có thế, nhà thơ đã nhận ra “Tháng tư vỡ vàng nụ nắng trên đê”. Chúng ta hầu như ai cũng rõ rằng: “Nụ” là bộ phận ở cành cây, hình khum tròn, sắp nở thành hoa. Ở khổ thơ thứ hai này, nhà thơ đã dùng “vỡ vàng nụ nắng trên đê”. Một sự diễn tả riêng biệt của nhà thơ, tả hình ảnh những ánh nắng khum tròn trên đê. Hình ảnh ấy như một sự hợp thêm cùng “nắng quái” khi trời đất chuyển mùa.
Nhân vật trữ tình trong bài thêm một lần được gợi nhớ. Nỗi nhớ ấy, đến từ những cành non trong sân trường. “Tháng tư chòng chành đọt nhớ trên tay”. Những ngọn thân, cành cây còn non của những loài cây trong sân trường chỉ là những cành nhánh thông thường, mà từ sự cảm nhận của nhà thơ, chúng đã trở thành những “đọt nhớ”, “chòng chành” trên tay những nhân vật trữ tình trong bài thơ về mùa hạ. Những cành non ấy chòng chành trên tay người, để rồi, chút tình cảm sẽ đằm sâu hơn, đắm đuối hơn: “Nhịp tim nào mắc cạn dưới vòm cây”. Có sinh vật nào chưa từng sống dưới nước lại mắc cạn trên bờ? Với Vu Trầm, anh đã dẫn dắt độc giả theo những rung cảm độc đáo của mình khi tỏ bày “Nhịp tim mắc cạn”. Một sự xuyến xao, đắm đuối lắm trong lòng người con trai khi nhìn người con gái xõa tóc bên giảng đường. Sự quyến luyến, say đắm ấy nào ở đâu xa, mà chính là ngay dưới những vòm cây của mái trường yêu dấu.
Rồi đây nữa, bao nhiêu mùa đã đi qua trên tinh cầu này, loài người có tính được tuổi của mùa hay không? Tất cả những câu chuyện vui buồn của đời người, rồi cũng sẽ trôi đi như theo những đám mây vô định trong bầu trời: “Mùa đến rồi đi mùa không có tuổi/ Ký ức cũng già, lăn khẽ theo mây”.
Ở khổ thơ thứ năm, khổ thơ kết bài, tác giả đã khéo đưa vào một dòng thơ, mà nơi ấy là sự bỏ lửng, để người đọc tự ngẫm ngợi trong lòng: “Em như thể và tôi dường như thể”. Phải chăng, đó là sự cảm mến nhau dưới mái trường giữa em và tôi, những nhân vật trữ tình trong bài thơ. Sự e ấp, chút tình cảm thầm kín nhưng cũng rất đằm sâu chưa bộc lộ hẳn thành lời. Dòng thơ để ngỏ giữa những nhân vật trữ tình trong bài với nhau, và hình như tác giả cũng muốn để ngỏ đối với độc giả yêu thơ. Và còn đây, những cảm xúc u hoài của những ngày chia tay trong mùa hạ: “Biệt nhau rồi, hạ cũng rót giọt đau”.
Nhà thơ – nhà giáo Vu Trầm thật sự đã rất dụng công chắt lọc, mở rộng theo một nét riêng những ngôn từ, dệt nên những dòng thơ thật giàu hình ảnh, đằm cảm xúc trong “Tháng tư về”.
Sử dụng thể thơ 8 chữ, tác giả đã có lối ngắt nhịp rất linh hoạt trong bài. Đọc kỹ từng dòng thơ, độc giả sẽ thấy có rất nhiều nhịp điệu: Nhịp 3/5 (nhà thơ sử dụng 6 lần), nhịp 5/3 (5 lần), nhịp 4/4 (4 lần), 2/6 (2 lần), 2/4/2 (2 lần) và 3/3/2 (1 lần). Sự ngắt nhịp linh hoạt cùng phối hợp với thanh điệu liên tục thay đổi của những âm tiết trong bài thơ đã làm phong phú hẳn nhạc tính trong thi phẩm “Tháng tư về”.
Bao mùa hạ đã đi qua trong đời những con người, thuộc nhiều thế hệ. Biết bao sáng tác thơ, nhạc đã từng để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán, thính giả, độc giả về những mùa hè. Nhà giáo – nhà thơ Vu Trầm góp những lời thơ mang những cảm nhận rất riêng của anh trong tháng chớm vào hè. Đọc “Tháng tư về”, độc giả thêm một lần nhớ về những mái trường, những kỷ niệm trôi cùng năm tháng thanh xuân của đời người. Trong dòng hoài niệm ấy, những lời thơ đẹp đẽ của “Tháng tư về” thật nhẹ nhàng lại rất dễ lưu dấu trong miền ký ức của những độc giả yêu thơ!