Tháng 8 và tháng 9 – mùa thu cách mạng, trong trái tim bao người con đất Việt ai cũng bồi hồi xúc động nhớ Bác Hồ kính yêu, nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, tài – đức – văn võ vẹn toàn. Xin được nhắc lại 3 mẩu chuyện nhỏ về Đại tướng, nhân 112 năm Ngày sinh Đại tướng (25/8/1911 – 25/8/2023) và nhân Tết Độc lập – 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Chuyện thứ nhất, do nhà báo, đại tá Nguyễn Khắc Tiếp phóng viên (PV) quân sự hoạt động trên chiến trường Điện Biên Phủ, sau này là Phó Trưởng phòng Biên tập thời sự Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), năm 2023 ông tròn 100 tuổi đời, 75 năm tuổi nghề. Do nhiệm vụ, trong đời làm PV, ông có cơ may nhiều lần gặp Đại tướng. Lần thì gặp để làm phỏng vấn, nghe Đại tướng chỉ đạo viết bài, chụp ảnh; lần thì gặp để xin ông ý kiến về một bài bình luận quan trọng nào đó của báo QĐND. Lần gặp nào Đại tướng cũng rất đúng giờ hẹn, khi PV tới Đại tướng đã gọn gàng trong bộ quân phục, bộ cánh ngắn tay. Đại tướng xem bài nhanh, dùng bút mực đỏ chữa, chữ viết nắn nót. Lúc nào Đại tướng cũng hỏi: “Cậu kịp ăn gì chưa?”. Và không chờ câu trả lời, Đại tướng ân cần bóc bánh mời nhà báo lót dạ. Lúc về ông tiễn tận sân, dặn kỹ: “Nhớ đi xe cẩn thận”, “Chỗ nào tớ chữa bài mà không ưng thì trao đổi lại”…
Chuyện thứ hai: Đại tá nhà báo, nghệ sĩ nghiếp ảnh Trần Hồng, có không dưới 300 tấm ảnh đẹp chụp Đại tướng trong công việc và sinh hoạt đời thường. Lần chụp ảnh nào Đại tướng cũng cùng ngồi lại với nhà báo, ảnh nào chưa ưng thì thầy trò lại tiếp tục “nháy”. Đại tướng tâm sự với Trần Hồng: “Phàm là những ảnh chụp tự nhiên, không bố trí thì sống động, có hồn. Anh bố trí nó gượng gạo”. Đại tướng dí dỏm nói thêm: “Có sự kiện chưa bấm trúng giây điển hình thì chụp lại, không sao. Cũng như Bác Hồ, Người hô mọi người hãy vỗ tay giòn tan cho nhà báo quay phim, chụp ảnh”. Bác Hồ và Đại tướng không chỉ rất tâm lý với PV mà còn là những nhà nhiếp ảnh báo chí bậc thầy. Đời phóng viên, Trần Hồng tự hào khi được giao nhiệm vụ chụp ảnh cho Đại tướng, học được ở Đại tướng nhiều điều về một bậc thầy, một nhân cách lớn trong đối nhân xử thế. Tháng 9 năm 2023, 300 tấm ảnh quý về Đại tướng sẽ cùng tác giả lên đường đi Tây Bán Cầu tổ chức triển lãm ảnh vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp – người hùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa cường quyền áp bức.
Chuyện thứ ba: Nhà báo Phan Thân, quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, PV báo Hà Tĩnh, sau năm 1975 chuyển vào Tây Nguyên, làm PV Báo Đắk Lắk. Kỷ niệm 112 Ngày sinh Đại tướng, Phan Thân viết trong tự truyện “Sống một kiếp người” như sau: Năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về làm việc ở tỉnh Đắk Lắk. Anh Phạm Tài Nguyên, Trưởng phân xã TTXVN ở Buôn Mê Thuột và tôi (Thư ký Tòa soạn Báo Đắk Lắk) được giao chụp ảnh, đưa tin chuyến đi của Đại tướng. Cả hai không có xe ô tô, thời đó khổ lắm, xin Văn phòng Tỉnh ủy thì bị từ chối, rằng “các anh không có tiêu chuẩn (!)”. Hai anh em lo sốt vó, đang tính kiếm xe nào trống chỗ thì quá giang tới cơ sở. Bỗng nghe tiếng “xịch”, xe Đại tướng đỗ ngay bên cạnh, giọng nói ấm áp của Đại tướng cất lên nhẹ nhàng: “Hai đồng chí ở cơ quan nào?”. Phan Thân trả lời: “Dạ thưa, tôi ở Báo Đắk Lắk. Anh này (Phạm Tài Nguyên) là Trưởng phân xã TTXVN”. Đại tướng hỏi: “Vậy nhà báo có xe chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ chưa” Đại tướng mỉm cười hiền hậu: “Vậy lên xe tôi, ta cùng đi”. Mọi người nghe và chứng kiến, ai cũng ngỡ ngàng. Hai nhà báo như bắt được vàng, sung sướng xin phép lên xe. Sau chuyến đi cùng Đại tướng, 2 nhà báo xin phép chia tay Đại tướng, Đại tướng gọi hai nhà báo lại chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng. Tấm ảnh đó nay PV Phan Thân vẫn lưu giữ như là báu vật cuộc đời. Đại tướng vui vẻ: “Chúc chủ nhà và gia đình nhà báo sức khỏe, hạnh phúc”. Đại tướng cười tươi, nụ cười sẻ chia, đôn hậu: “Bây giờ muộn rồi ta về thẳng”…
Mùa thu cách mạng, nôn nao nghĩ về bao kỷ niệm cuộc đời. Càng nghĩ càng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Bác Hồ, vị tướng của dân rất đỗi bình dị, giàu lòng nhân ái và đầy ắp tình yêu thương.