Có lợi thế với khoảng cách không xa TP. Phan Thiết và giàu tiềm năng phát triển, huyện Hàm Thuận Nam đang tập trung những nguồn lực và tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế – xã hội.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua Hàm Thuận Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và có những bước tiến tích cực. Theo đó, trong tháng 8/2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt khoảng 562 tỷ đồng, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp đều đạt trên 60%. Hoạt động thương mại, du lịch, sản xuất nông nghiệp khởi sắc hơn so với những năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Huyện đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô; chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tổng thu ngân sách hơn 211 tỷ đồng, đạt 84,5% dự toán tỉnh giao. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 84 tỷ, đạt 63% kế hoạch. Mặt khác, địa phương đã có nhiều biện pháp tăng cường thu hút đầu tư, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 313 hộ với tổng số vốn đăng ký hơn 15 tỷ đồng. Đồng thời, đã quan tâm, tích cực làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, sớm đưa vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, rừng được tăng cường. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, y tế có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn như: giá cả vật tư, nguyên liệu vẫn còn cao đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp… Đặc biệt, hạn hán thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô chưa giải quyết trong nhiều năm qua. Đây là một trong những “điểm nghẽn” cản trở phát triển kinh tế cần được khơi thông. Theo đó, huyện Hàm Thuận Nam kiến nghị “UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn thiết kế mẫu, thực hiện cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09/2020 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm; xem xét cho đầu tư công trình dự án đập ngăn mặn Sông Phan nhằm giảm tình trạng xâm ngập mặn và tích nước ngọt phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho nhân dân xã Tân Thuận; cho chủ trương đầu tư kè biển từ cầu Suối Nhum (khu du lịch Aloha) đến khu du lịch Bình Yên thuộc xã Thuận Quý…”.
Tại buổi làm việc với huyện mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh huyện cần tập trung chú trọng khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của huyện để phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Cụ thể phải đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước và xử lý hiệu quả nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Triển khai giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư, lấp đầy các dự án thứ cấp tại các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các công trình dự án đầu tư phát triển. Đồng thời phải chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời, khuyến khích phát triển, đa dạng hóa các loại sản phẩm để thu hút du khách. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, tự giác bảo vệ môi trường, cảnh quan “xanh – sạch – đẹp” gắn với Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Ngoài ra, địa phương cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất rừng. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá các chỉ số cải cách hành chính…