BTO-Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại công điện hỏa tốc số 691/CĐ -TTg ngày 31/7 đến các bộ, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Kiên Giang về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Nội dung công điện nêu rõ, những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân. Đặc biệt ngày 30/7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới. Do đó, để chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các bộ ngành liên quan theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc bảo đảm an toàn công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao…
Được biết tại Bình Thuận, thiên tai những ngày qua đã khiến 2 người thiệt mạng, làm ngập nhiều hộ dân, hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, ngã đổ; thiệt hại về thủy sản nước ngọt và sạt lở, hư hỏng nhiều đoạn đường giao thông; ngập tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đoạn qua huyện Hàm Tân. Trong đó, một số địa phương bị thiệt hại nặng như Tánh Linh trên 32 tỷ đồng, Hàm Thuận Bắc trên 5 tỷ đồng, Hàm Tân gần 300 triệu đồng. Riêng huyện Đức Linh chưa thống kê được giá trị thiệt hại do nước vẫn chưa rút.
K. HẰNG