Phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên là hướng đi đúng. Bởi đây là lực lượng trẻ, có tri thức và khát vọng cống hiến, góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Thế nhưng làm sao để nâng cao hiệu quả công tác này, luôn là câu hỏi được các cấp ủy Đảng quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.
Những kinh nghiệm hay
Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) với hơn 70 năm hình thành và phát triển đã có nhiều mốc son quan trọng và một trong những mốc son ấy chính là sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên với 3 đảng viên đều là học sinh vào năm 1972. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng đáng tự hào đó, trong nhiều năm qua, Đảng bộ Trường THPT Phan Bội Châu luôn coi trọng công tác phát triển Đảng trong học sinh, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp – Bí thư Đảng ủy nhà trường cho biết: Trong 3 năm gần đây Đảng bộ Trường THPT Phan Bội Châu đã kết nạp được 33 đảng viên, trong đó có 18 đảng viên là học sinh. Hàng năm Đoàn trường đều chọn từ 15 đến 25 đoàn viên ưu tú để Đảng ủy cử tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. “Công tác phát triển đảng viên trong học sinh những năm qua đã góp phần tích cực, quan trọng để Đảng bộ Trường THPT Phan Bội Châu xây dựng Đảng bộ đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ””, ông Hiệp nói.
Một trong những kinh nghiệm mà theo ông Hiệp cần phải chú trọng đó là chủ động trong phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố tiêu biểu. “Đoàn trường tìm nguồn để đào tạo, bồi dưỡng và “ươm mầm” cho những học sinh có tiềm năng từ năm lớp 10, lớp 11. Đồng thời mở rộng ra nhiều đối tượng như những học sinh tiêu biểu trong học tập, tiêu biểu trong hoạt động tình nguyện, tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… từ đó giới thiệu cho Đảng ủy phân công các đảng viên là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn theo dõi, giúp đỡ, khích lệ các em gương mẫu, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, trưởng thành về bản lĩnh, tự thân xác định động cơ đúng đắn, nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau đó chọn cử những đoàn viên ưu tú nhất đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng, kết nạp Đảng vào năm học lớp 12. Quý 1 hàng năm tiến hành rà soát những học sinh đảm bảo các điều kiện, hướng dẫn các em viết lý lịch để chuẩn bị sớm cho việc phát triển Đảng”, ông Hiệp cho hay.
Còn tại Đảng bộ Trường Cao đẳng Bình Thuận, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Đảng bộ trường đã kết nạp 73 đảng viên mới, trong đó có 45 đảng viên là học sinh, sinh viên. Riêng năm 2023, Đảng bộ trường đã giới thiệu 21 đoàn viên sinh viên ưu tú để Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh xem xét, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Kết quả trên bắt nguồn từ việc Đảng ủy nhà trường đã coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho học sinh- sinh viên, giúp các em có sức “đề kháng” trước sự tấn công của cái xấu, bài trừ những cái xấu, tiêu cực, lối sống thực dụng do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động vào. Nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động, phong trào; thường xuyên đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, để tạo môi trường thu hút, tập hợp lực lượng trong học sinh – sinh viên. Trong mỗi hoạt động, đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên được phát huy năng lực, sở trường, chủ động, sáng tạo…
Tăng cường nhiều giải pháp
Từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh đã có 213 học sinh, 46 sinh viên là các quần chúng ưu tú, có thành tích cao trong học tập và rèn luyện được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 28 trường trung học phổ thông. Năm học 2023 – 2024, tổng số học sinh, sinh viên toàn tỉnh là 44.232; trong đó, có 38.993 học sinh và 5.239 sinh viên. So sánh con số trên thì tỷ lệ kết nạp đảng viên là học sinh – sinh viên trên toàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với nguồn lực hiện có.
Nói về những khó khăn, nhiều cấp ủy các trường cho rằng: Theo quy định của Điều lệ Đảng, tại thời điểm xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi trở lên (tính theo tháng). Vì vậy, việc xét kết nạp Đảng ở các trường THPT chỉ thực hiện đối với những học sinh sinh từ tháng 1 đến tháng 5; Các lớp hệ trung cấp đào tạo trong 2 năm thì khó khăn trong khâu thẩm tra, xác minh… Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức Đảng trong trường học chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát; còn lúng túng trong tạo nguồn kết nạp đảng viên. Nhiều tổ chức Đảng trong trường học còn đặt nặng về thành tích học tập, chưa chú trọng các hoạt động phong trào.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phải khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Do đó, phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, học sinh – sinh viên là rất quan trọng. Để làm tốt hơn nhiệm vụ trên, Đảng ủy Trường THPT Bắc Bình cho biết, muốn phát triển Đảng trong học sinh tất yếu phải làm tốt công tác tạo nguồn. Chính vì vậy, các chi bộ của nhà trường sẽ chọn đối tượng học sinh ưu tú ngay từ khi các em học lớp 10, 11 bồi dưỡng để các em có đủ điều kiện được xét kết nạp trước khi tốt nghiệp ra trường. Đảng ủy sẽ lập danh sách những đối tượng đủ tiêu chuẩn về học lực, hạnh kiểm và yếu tố chính trị, lý lịch rõ ràng đưa đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do Huyện ủy Bắc Bình tổ chức. Tổ chức cho các em đủ điều kiện kết nạp vào Đảng học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng ngay từ hè cuối năm lớp 11, để các em có đủ thời gian nhận thức về Đảng. Đến đầu năm học lớp 12 các chi bộ cùng với Đoàn trường tiếp tục giáo dục, định hướng và hướng dẫn cho các em làm hồ sơ xin vào Đảng.
Trong khi đó, Chi bộ Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Hàm Thuận Bắc) cho rằng để kết nạp một đảng viên học sinh đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Mặt khác, Ban giám hiệu và Ban chấp hành Đoàn – Hội thanh niên của trường cần tạo môi trường rèn luyện từ phong trào và sự tự thân phấn đấu của mỗi cá nhân đoàn viên – thanh niên sẽ góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển Đảng trong trường học.
Có thể nói, việc tổ chức kết nạp đảng viên là học sinh – sinh viên vừa tránh được tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn” đang diễn ra vừa góp phần quan trọng bổ sung lực lượng, nguồn lực có chất lượng cao cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời qua đó giúp các bạn trẻ sống có niềm tin, lý tưởng, hạn chế tình trạng xuống cấp về đạo đức, giúp giới trẻ không sa ngã vào tệ nạn xã hội, vươn lên sống đẹp, sống có ích. Lợi ích nhìn thấy là rất rõ ràng, do đó cần có sự vào cuộc và hành động quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến địa phương.