Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi, có 17 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ và 5 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có khoảng 3.866 hộ/16.369 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc K’ho, Chăm, Raglay và sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp.
Lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Trong những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình 135 đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và định canh định cư tập trung tại Khu dân cư Saloun, xã Đông Giang. Nhờ phát huy tốt hiệu quả của các công trình thủy lợi, đồng bào dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại cây trồng có lợi thế và thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Tổng diện tích sản xuất cây hàng năm luôn vượt kế hoạch đề ra và không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Các xã, thị trấn đã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và phát triển các loại cây trồng có lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm ăn khá giả, được công nhận là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, như: Hộ ông Thông Đinh Phụng, thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú; ông Thông Sông, xã Đông Tiến; bà Thông Thị Hoàng, xã Hàm Phú; ông Mang Sỹ, xã Thuận Minh. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng công tác quy hoạch của từng thôn, xã và gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mua máy nông nghiệp, được đầu tư ứng trước giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm làm ra. Ngoài ra, công tác khuyến nông được thực hiện thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, hội nghị đầu bờ và tổ chức đi tham quan trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất ở các nơi. Các ngành chức năng huyện đã tổ chức các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa – bắp – đậu; mô hình trồng bắp lai trên đất màu; mô hình nhân giống lúa xác nhận; mô hình trồng, thâm canh cây điều ghép cao sản, cây mãng cầu.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện rà soát, quy hoạch, đầu tư khai hoang cấp đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Quyết định số 755, số 134 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể đã đầu tư khai hoang 877,56 ha đất cấp cho 1.107 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thị trấn sản xuất, nâng cao đời sống gia đình. Các đơn vị chủ rừng đã tiến hành giao khoán cho 1.185 hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ 42.997,27 ha rừng tự nhiên, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống gia đình và hạn chế nạn phá rừng làm rẫy. Hệ thống giao thông được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, đi lại giữa các xã vùng cao, miền núi với đồng bằng. Có thể nói, thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ vững, phát huy và hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố.
NGỌC TUẤN