Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận trong 10 tháng đầu năm 2023 chưa như kỳ vọng, vì vậy thời gian tới địa phương sẽ phải tăng tốc hơn nữa mới mong đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch giao.
Thúc đẩy giải ngân
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh thì tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Bình Thuận là 4.839,791 tỷ đồng, hiện đã phân khai hơn 4.751 tỷ đồng. Năm nay, địa phương cũng ưu tiên bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh, bền vững. Đồng thời tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án đã phê duyệt quyết toán, dự án hoàn thành trong năm nhằm phát huy hiệu quả đầu tư…
Sau khi giao kế hoạch vốn năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện – thị xã – thành phố, chủ đầu tư triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp về phân bổ và giải ngân vốn cũng như sớm hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Tiếp đó ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, định kỳ hàng tháng rà soát đánh giá tiến độ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh thực hiện kế hoạch được giao.
Thời gian qua, Tổ công tác lần lượt làm việc với các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, công nghiệp) và một số địa bàn (Đức Linh, Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Phan Thiết) về những nội dung liên quan… Như tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng – Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đã yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để gia tăng tiến độ thi công dự án. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của đơn vị trong việc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư đối với những dự án chuẩn bị đầu tư. Phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ và tổ chức đấu thầu đối với trường hợp dự án mới… Bởi đây là đơn vị đang quản lý điều hành 26 dự án với tổng kế hoạch vốn khá lớn (hơn 1.563 tỷ đồng), vì vậy tiến độ được tăng tốc cũng sẽ góp phần đảm bảo kết quả chung cho toàn tỉnh phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt từ 95% trở lên.
Tăng tốc hơn nữa…
Tuy nhiên qua theo dõi, sở chức năng cho biết, tính đến hết tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh mới giải ngân được 2.836,621 tỷ đồng, đạt 58,61% so kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 59,7% so kế hoạch vốn đã phân khai chi tiết… Được biết kết quả chưa như kỳ vọng chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc thay đổi về chính sách, thông tư quy định nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian. Mặt khác còn do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh. Hay như một số dự án vướng thủ tục thanh lý công trình cũ, tiến độ triển khai thực hiện chậm nên ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng thi công công trình mới…
Dù vậy bên cạnh nguyên nhân khách quan thì hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng xuất phát từ sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở ngành, địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư chưa chặt chẽ và bị động. Năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn… Thế nên thời gian tới, Bình Thuận sẽ quyết liệt xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả nhằm tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh. Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.
Nhất là với trường hợp dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng thì chủ đầu tư tích cực, chủ động phối hợp sở ngành liên quan và UBND các huyện – thị xã – thành phố đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với công trình đã có khối lượng thực hiện, các chủ đầu tư phải nhanh chóng nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán vốn và không để dồn vào cuối năm mới thanh toán. Riêng các công trình khởi công mới năm 2023, cần khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu xây lắp nhằm sớm triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao…
Với nhiệm vụ đề ra trong năm nay, Bình Thuận tập trung phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch giao. Theo đó với các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, dự kiến đến mốc thời gian 31/1/2024 có thể giải ngân đạt từ 95% trở lên. Cụ thể: Vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước (kế hoạch hơn 513 tỷ đồng), vốn xổ số kiến thiết (kế hoạch 1.500 tỷ đồng), vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh (kế hoạch 550 tỷ đồng) ước đạt 95%, còn vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối huyện (kế hoạch 450 tỷ đồng) ước đạt 100%. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (kế hoạch 1.316,1 tỷ đồng) dự kiến giải ngân đến 31/1/2024 đạt 97,51%…