Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải vừa ký văn bản đề nghị một số sở, ngành liên quan và UBND các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm (CGC).
Theo đó, để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh CGC, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh CGC, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024, Công văn số 1140/BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh CGC, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh nhận được Công văn số 1140/BNN-TY ngày 20/2/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh CGC. Nội dung công văn nêu rõ, theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) từ đầu năm 2023 đến hết tháng 1/2024 tổng cộng đã có 8.850 ổ dịch CGC do các chủng vi rút CGC A/H5 gây ra. Tại Việt Nam, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con. Trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.
Trước nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan trên diện rộng và nguy cơ xâm nhiễm của vi rút CGC do quá trình nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch CGC phát sinh, kiểm soát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, tái phát, lây lan diện rộng; công bố dịch, tổ chức chống dịch theo đúng quy định. Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút CGC, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm…
K. HẰNG