Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hàng năm là ngày “Dân vận của cả nước”.
Trải qua 93 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trọng dân, gần dân
Xác định công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương về công tác dân vận và triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác dân vận của tỉnh đã có sự đổi mới theo hướng đi sâu, sát cơ sở, đối thoại với nhân dân để nắm tình hình và giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh liên quan đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Đáng chú ý là việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho nhân dân để thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh; tình hình ô nhiễm môi trường; nắm tình hình và đề xuất chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, tồn đọng đối với các hộ dân trong thực hiện dự án đường Lê Duẩn (Phan Thiết); việc thiếu nước sinh hoạt của người dân tại xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình)…
Mặt khác, hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị 14 về đẩy mạnh lãnh đạo phong trào “Dân vận khéo”. Qua đó, hơn 10 năm qua, các cấp, các ngành đã xây dựng được gần 2.700 mô hình tập thể và gần 2.000 mô hình cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ kết quả của các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Hướng dẫn số 11của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực. Từ năm 2015 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức trên 1.000 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân; trong đó, cấp tỉnh 5 cuộc, cấp huyện 128 cuộc và cấp xã 960 cuộc. Ngoài ra, định kỳ hàng năm đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh còn đối thoại với cán bộ công đoàn, công nhân, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp và cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh về những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của từng tổ chức. Thông qua đó, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Riêng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, phát huy vai trò là trung tâm phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các huyện, thành phố trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết của tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân, chú trọng gắn lợi ích của người dân, phù hợp lòng dân, tạo động lực cho sự phát triển.
Có trách nhiệm với dân
Quá trình thực hiện công tác dân vận, một trong những bài học quan trọng nhất được Ban Thường vụ Tỉnh ủy rút ra đó là cần phải xây dựng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo phải sâu sát cơ sở, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải thật sự có ý thức “trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; dựa vào dân để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Từ đó, kịp thời xử lý những cán bộ, đảng viên, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật để củng cố, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo dự báo, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ có nhiều tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung; công tác dân vận nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Đặc biệt là công tác dân vận sẽ phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện, giải quyết công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn đời sống xã hội.
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, tin rằng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác dân vận. Từ đó, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng…