Đèo Yanko những ngày đầu tháng mười chợt mưa chợt nắng. Tôi dừng xe ghé vào một quán ven đường khi bị cơn mưa rào rượt ngay sau lưng.
Bà chủ quán vừa bưng cà phê vừa than phiền về tình hình ít khách hẳn đi khi đường cao tốc kéo phần nhiều xe sang tuyến mới, bỏ lại đoạn quốc lộ 1 “vắng hoe”. “Hai mặt của một vấn đề, được lợi lớn thì phải chấp nhận mất cái lợi nhỏ thôi”, là tôi nghĩ vậy nhưng chỉ gật gật chia sẻ, không nói gì. Chân đèo Yanko một thời quán xá tấp nập xe cộ này thuộc thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, một đô thị loại 5 đang trên đà phát triển. Tân Nghĩa ngày nay là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Hàm Tân. Khách quan mà nói, những gì thị trấn này có được hôm nay rất đáng tự hào, đó là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân ở đây. Vậy đó mà chuyện xưa và nay cứ ùa về, xen lẫn trong cảm xúc khó nói hết bằng lời.
I. Xưa:
Tân Nghĩa trước kia thuộc xã Bà Giêng, một xã dân cư thưa thớt, nghèo khổ, bao gồm vùng rộng lớn từ Tân Đức, Tân Minh, Tân Phúc đến Sông Phan, Tân Hà, Tân Xuân. Đây là vùng nóng của cuộc chiến bởi nó là cửa ngõ vào tỉnh lỵ Bình Tuy và là hành lang nối liền hai vùng giải phóng Tánh Linh – Hàm Tân. Tôi chợt nhớ đã được một cán bộ cách mạng lão thành đã kể cho nghe những trận đánh vang danh của vùng đất này. (Nếu tính phạm vi địa lý của những trận đánh ấy, có thể hình dung từ ga xe lửa Suối Vận, Sông Phan tới đèo Yanko, tất nhiên ngày ấy, nơi đây là một vùng đồi liên hoàn hiểm trở, cây cối rậm rịt). Ấn tượng nhất với tôi là trận đánh bốn toa tàu quân sự bọc thép cũng vào những ngày tháng mười này nhưng cách đây sáu mươi năm. Thời ấy, nhất cử nhất động của vùng đất này đều dưới sự chỉ đạo của đội Công tác Vũ trang miền Nam – huyện Hàm Tân nên phương án phục kích xe lửa được lên kế hoạch tỉ mỉ, kỹ lưỡng, với sự phối hợp của đại đội 486, đại đội 489, đội đặc công 481 và trung đội công binh tỉnh. Theo báo cáo, bốn toa tàu quân sự bọc thép của địch đều có trang bị các khẩu Canon Beaufot 37 ly, 12,7 ly, nhiều đại liên, cối 81 ly… Trong khi huy động toàn bộ hỏa lực của quân kháng chiến chỉ có cối 60, 80 ly, một khẩu đại liên 30, còn lại chỉ là trung liên, tiểu liên. Do vậy ban chỉ huy trận đánh quyết tận dụng lợi thế phục kích chủ động để giành chiến thắng. Khi toa tàu bọc thép thứ nhất tiến vào trận địa, chạm gần vật chuẩn thì ta điểm hỏa. Bốn quả mìn cho bốn toa tàu. Không ngờ một đồng chí phụ trách bấm quả mìn thứ tư thất bại. Ba toa đầu tê liệt ngay nhưng từ toa thứ tư lính tỏa ra chống cự quyết liệt khiến lực lượng phục kích hy sinh một đồng chí và ba đồng chí bị thương nặng. Trước tình hình đó, mũi quân thứ ba linh động kẹp hai bên đường sắt đánh phối hợp, nhờ vậy trận phục kích mới thắng lợi, cắt đứt một thời gian dài tuyến đường sắt huyết mạch của địch…
Một người quen, cũng là dân viết lách, anh vào quán cất tiếng chào cắt đứt dòng suy tưởng của tôi về những ngày xa xưa. Anh ấy luôn như một cơn gió ào đến, nhanh chóng bắt chuyện và anh kể luôn một thôi một hồi về một trận đánh thời kháng Mỹ…
Đó là thời điểm năm 1974, Huyện ủy Nghĩa Lộ chỉ đạo Chi bộ Sông Phan phối hợp với Đội công tác vũ trang đón tiếp cán bộ Ban tham mưu của Quân khu VI đi “tiền trạm” chiến trường cho trận đánh mang tính chiến lược. Sau đó, lợi dụng địa hình núi rừng, cây cối rậm rạp, lực lượng ta bố trí mai phục từ cây số 42 đến cây số 37. Đây là trận đánh mai phục với quân số lên đến cấp tiểu đoàn (tiểu đoàn 600). Đoàn xe GMC của địch gồm 20 chiếc chở đầy lính địa phương quân di chuyển nối đuôi dài hơn 5 km trên quốc lộ theo hướng Phan Thiết. Khi chiếc xe GMC chạy đầu chưa qua khỏi cầu ông Hạnh, đoàn xe lọt trọn vào tuyến đường phục kích, lực lượng ta nhận lệnh đồng loạt tấn công. Một số lính dạt vào lề đường chống trả, một số bỏ chạy hoảng loạn. Sau 2 giờ chiến đấu, một đại đội địch bị tiêu diệt tại chỗ, số bị thương khiêng cáng, dìu nhau lên xe tháo lui. Trận đánh thắng lợi vào buổi sáng khiến binh lính địch hoang mang, co cụm sợ hãi…
Câu chuyện của người bạn khiến tôi nhớ lại những ngày tháng tư năm bảy lăm, ngã ba Bốn Sáu tràn ngập các sắc áo tàn quân. Thực ra những đồn địa phương quân, nghĩa quân của địch đóng ở ngã ba Bốn Sáu, Sông Phan đã tan rã trước khi lực lượng ta tấn công. Ngày 19/4/1975, Cách mạng thừa thắng giải phóng các khu dồn dân Bình Ngãi, Nghĩa Tân… Chuyện mới đó mà đã 48 năm, thời gian cứ như những con sóng phủ tràn qua đời người, có sự vĩnh hằng nào cho từng khoảnh khắc không?! Chỉ biết rằng đó là lịch sử, lịch sử của một vùng đất và cũng là của từng con người. Một góc nhìn buồn thương khác, danh sách liệt sĩ của Tân Nghĩa – Sông Phan trong cuộc chiến này đã là 74 người. Ý nghĩa lắm chứ! Chẳng phải ai kia đã nói “Thời gian trôi xuôi, ngược dòng là cuộc sống” đó sao?!
II. Và nay:
Ngay cả chuyện Đảng bộ thị trấn Tân Nghĩa ngày nay lớn mạnh như vậy cũng phải trải qua một hành trình gian nan, đầy những hy sinh, tâm huyết của các bậc tiền bối. Tiền thân của Đảng bộ thị trấn Tân Nghĩa và xã Sông Phan ngày nay là Chi bộ Sông Phan được Huyện ủy Hàm Tân thành lập vào đầu năm 1963, gồm 6 đồng chí dân tộc Ra Glai (Rai). Điều kiện hoạt động lúc ấy khó khăn, hiểm nguy vô cùng nhưng các đồng chí ấy vẫn giữ vững lập trường, khí tiết cách mạng. Ngày nay, Đảng bộ đã có 124 đảng viên với 14 chi bộ trực thuộc. Tất nhiên cái khó của thời hiện đại và với một tổ chức lớn cũng phức tạp và khác nhiều; việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng là vấn đề lớn lao với nhiều nan giải đòi hỏi lãnh đạo phải đủ tâm, đủ tầm. Gần đây, đồng chí Lương Thị Sáng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Nghĩa cho biết về trình độ của đảng viên được nâng cao: Có 08 đồng chí trình độ đại học, 14 đồng chí đang học đại học, 02 đồng chí học cao đẳng, 07 đồng chí học trung cấp. Về lý luận chính trị có 14 đồng chí trình độ trung cấp, 03 đồng chí đang học trung cấp, 01 đồng chí học cao cấp. Lãnh đạo và người trong hệ thống chính quyền có trình độ cao là điều tiên quyết cho sự phát triển vững mạnh, đúng hướng của địa phương.
Thực tế thị trấn Tân Nghĩa ngày nay đã không còn là vùng quê nghèo như xưa nữa, sự thay da đổi thịt đã thấy rõ từng ngày. Chỉ số hạnh phúc của người dân được nâng cao. Sự phát triển đồng bộ ở các lĩnh vực, các mặt đời sống được đặc biệt lưu ý. Tình hình kinh tế – xã hội của thị trấn từng bước phát triển theo hướng tích cực. Trong mắt tôi đã hiện lên rõ ràng, bề thế và sôi động các dự án Cụm Công nghiệp Nghĩa Hòa, các tuyến đường khu trung tâm hành chính huyện, các tuyến đường nội thị, hệ thống kênh thủy lợi Sông Dinh 3, chợ Tân Nghĩa và một số dự án khác, tất cả đã, đang được triển khai xây dựng, cùng với nhiều lợi thế về tiềm năng đất đai, nguồn lao động sẽ tạo động lực thúc đẩy việc phát triển của một thị trấn trung tâm huyện.
Thực hiện một số công trình như: đường vào trường THPT, đường vào trường mầm non, Hội trường Khu phố 3, sửa chữa nhà làm việc và làm mới sân Ủy ban nhân dân, trang bị bàn ghế hội trường, bê tông sân trường mẫu giáo, làm mới nhà vệ sinh của các khu phố… Những công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm đã góp phần thay đổi bộ mặt địa phương như đề án giao thông nội thị, đã cứng hóa 10,277 km, với tổng số tiền trên 13,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 5,4 tỷ đồng. Vận động nhân dân tham gia sửa chữa gần 10km đường, 01 cầu và đặt 04 cống thoát nước, với tổng số tiền trên 521 triệu đồng.
Ngoài ra, là thị trấn trung tâm huyện, nên đã được cấp trên quan tâm xây dựng nhiều công trình, dự án, như: Quốc lộ 55 đoạn tuyến tránh; đường vào bệnh viện, khu trung tâm hành chính, bệnh viện…
Ngày nay, đi trên các trục đường chính như Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám và một số tuyến đường khác của Tân Nghĩa mọi người có thể hình dung đến cơ cấu kinh tế của toàn thị trấn. Gần một ngàn cơ sở kinh doanh cố định, một chợ khu phố 6, một chợ tạm khu phố 1 và nhiều cơ sở nhỏ lẻ, chưa cố định tạo nên bộ mặt khang trang, sầm uất, chiếm tỷ trọng hơn 40% cơ cấu kinh tế chung.
Nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn thị trấn được cấp trên đầu tư xây dựng như nhựa hóa một số trục đường chính, hệ thống điện chiếu sáng công lộ, cây xanh, vỉa hè, hệ thống cống rãnh thoát nước, nhà thi đấu… Các tiêu chí đô thị loại 5 từng bước được hoàn thiện; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị được quan tâm lãnh, chỉ đạo đạt hiệu quả cao.
Lại một cơn mưa bất chợt nữa rào qua đèo Yanko nhưng thật sự bên trong tâm hồn mình tôi lại có cảm giác ấm áp. Tuy vẫn còn đâu đó chuyện này chuyện kia chưa trọn vẹn nhưng quả là mừng cho quê hương đang từng ngày thay da đổi thịt! Mừng cho huyện Hàm Tân chọn được vùng đất huyện lỵ bề thế, xứng tầm! Mừng cho chỉ số hạnh phúc của người dân được nâng cao rõ rệt!