Từng được xem là vùng biển dồi dào nguồn lợi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao, năm 2013, Tuy Phong là huyện đầu tiên được UBND tỉnh triển khai dự án “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể”. Tuy nhiên chỉ sau vài năm thực hiện, mô hình đã “chết yểu” cho đến nay.
Nguồn lợi sinh sôi… từ dự án
Dự án được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10/2013 với mục tiêu chính là khai thác bền vững nguồn điệp quạt tự nhiên, đồng thời đảm bảo phân phối hài hòa quyền lợi giữa các đối tượng sử dụng, nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân thông qua phương thức đồng quản lý. Dự án được triển khai từ năm 2013 tại vùng biển Phước Thể trên diện tích 2.628 ha mặt nước biển. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, sự hỗ trợ của Công ty TNHH Hải Nam và tổ chức phi chính phủ VBCF (Quỹ thách thức doanh nghiệp Việt Nam) với tổng kinh phí gần 5,7 tỷ đồng. Thông qua dự án đã thành lập Tổ cộng đồng ngư dân với 250 hộ gia đình tham gia và đã thực hiện thả hơn 60 điểm đánh dấu, kết hợp làm rạn nhân tạo cho nguồn lợi sinh sống, thả tái tạo hơn 21 triệu con điệp giống.
Khi thực hiện dự án trong 3 năm (từ 2014 – 2016), trong vùng dự án, điệp quạt xuất hiện với mật độ dày chưa từng có trong 15 năm trở lại đây. Từ mật độ 1 con điệp quạt/100 m2 của năm 2013, đến năm 2016 mật độ điệp quạt đã tăng 136 con/100 m2. Thời điểm đó, trữ lượng nguồn lợi điệp đã có sự phát triển đột biến, kéo theo các loại thủy sản khác cũng được bảo vệ và phục hồi. Một số loài đã bắt đầu xuất hiện trở lại sau thời gian biến mất như: cá gáy, mú, tu hài, sò lông… một số rạn san hô bị phá hủy đã bắt đầu sinh sôi nảy nở trở lại, đáy biển và hệ sinh thái ổn định hơn do không còn tình trạng hoạt động của nghề lưới kéo và chất nổ. Đây có thể xem là một tín hiệu vui trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận. Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án đã góp phần làm tăng tính đoàn kết và hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất của cộng đồng được nâng cao. Ngư dân đã quan tâm và ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản qua việc tổ chức các hoạt động tuần tra, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, năm 2015 khi dự án kết thúc, mô hình được bàn giao lại cho địa phương tiếp tục quản lý, duy trì thì “chết yểu” cho đến nay.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong, trong quá trình triển khai dự án do năng lực điều hành, quản lý và thực hiện các hoạt động cho ngư dân thành viên của tổ chức cộng đồng còn hạn chế. Đặc biệt, một số ngư dân chưa có ý thức tự giác và trách nhiệm tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng. Vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi ích trước mắt, lén lút sử dụng xung điện, khai thác điệp, sò lông con ở ngoài vùng biển triển khai dự án, dẫn đến mô hình không thể duy trì hiệu quả.
Nguyện vọng xây dựng lại mô hình
Ông Lê Văn Boanh – Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong cho biết thêm: “Từ năm 2019 đến nay nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm, một số loài cá nổi (nục, thu, ngừ, ngân, lò, giấy…) cá đáy (đục, mối, phèn) hầu như không còn xuất hiện; năng suất đánh bắt một số nghề giảm dần, dẫn đến một số tàu cá nằm bờ hoặc bán khỏi địa phương hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Một trong những nguyên nhân chính là do một số nghề như lưới kéo (nghề giã cào bay hoạt động ven bờ), nghề lặn, kết hợp sử dụng kích điện, chất nổ… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng, xâm hại đến môi trường sống và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của lực lượng chuyên trách phối hợp với chính quyền địa phương còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là do năng lực tàu cá phát triển nhanh, chủ yếu là tàu cá hoạt động ven bờ với số lượng 2.227 chiếc dưới 12m, chiếm tỷ lệ tới 72%”.
Từ thực trạng đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tiến hành khảo sát ý kiến ngư dân 3 xã Phước Thể, Chí Công, Vĩnh Hảo, chính quyền địa phương với mong muốn bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản 2 mảnh vỏ để xây dựng lại mô hình. Ông Boanh chia sẻ: “Theo Quyết định số 2781 ngày 11/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, muốn thực hiện phải xác định được khu vực sinh sống tập trung của loài nhuyễn thể. Do đó, mong muốn Chi cục Thủy sản phối hợp với địa phương tổ chức khảo sát, xác định khu vực tập trung sinh sống các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, quyết định về cấm khai thác, thu mua và vận chuyển các loài nhuyễn thể nhỏ hơn kích thước quy định. Bên cạnh đó, các địa phương Chí Công, Phước Thể trước mắt hình thành ban vận động, xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn tuyên truyền quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; những tác hại của việc sử dụng xung điện; khai thác các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ còn non, nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân và chủ cơ sở thu mua hải sản. Sau khi xác định khu vực sinh sống tập trung của các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, huyện sẽ tiến hành các bước thành lập Tổ Cộng đồng quản lý theo hướng dẫn với sự đồng thuận cao của ngư dân”.
Toàn huyện Tuy Phong có trên 800 tàu cá/5.000 lao động trực tiếp làm nghề lặn và hàng năm khai thác trên 10.000 tấn sò lông, điệp quạt… Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2024, loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ này xuất hiện mật độ dày, bình quân mỗi ngày khai thác trên 10 tấn; thu nhập ngư dân từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/người. Tuy nhiên việc khai thác điệp quạt, sò lông còn non chiếm tỷ lệ cao, nếu không có các giải pháp phù hợp, về lâu dài nguồn lợi sẽ suy giảm nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Boanh – Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong cho biết.