Qua theo dõi, làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, Sở Công Thương cho biết tình hình thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh hiện diễn biến bình thường.
Theo đó, giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn ổn định và hàng hóa lưu thông thông suốt, sức mua dần tăng ở một số nhóm hàng như: Thực phẩm, điện máy, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm, quần áo may sẵn, giày dép, hàng trang trí, bia, nước giải khát… Dự kiến cao điểm vào những ngày cận tết, sức mua tiếp tục tăng 20 – 25% so với bình thường, diễn ra sôi động từ nay đến 9/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp). Nhu cầu hàng hóa tập trung vào thực phẩm tươi sống, các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao, hoa cây cảnh phục vụ trang trí tết…
Đối với mặt hàng thịt lợn, thời gian qua cho thấy việc cung – cầu trong nước trở lại cân bằng và phù hợp với mặt bằng giá thực phẩm nói chung. Giá lợn hơi dao động ở mức 52.000 – 55.000 đồng/kg và lượng thịt lợn lưu thông trên thị trường khá dồi dào, còn giá bán lẻ tại các chợ hoặc điểm bán ổn định ở mức từ 100.000 – 150.000 đồng/kg (không tăng so dịp tết năm ngoái). Những ngày này tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi vẫn áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá góp phần ổn định giá đối với mặt hàng thịt lợn.
Qua kiểm tra, làm việc với các đơn vị tham gia bình ổn thị trường, Sở Công Thương cho biết nguồn cung ứng thịt lợn trong dịp này là ổn định, đầy đủ và sản lượng cung cấp sẽ tăng cao vào những ngày cận tết. Đồng thời nhận định khả năng mặt hàng thịt lợn phục vụ dịp trước – trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Bình Thuận không xảy ra biến động lớn…
Trong khi đó, hàng hóa phục vụ tết ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cùng với việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước, đầu tư ứng trước và thu mua sản phẩm tại nơi sản xuất của Trung tâm Dịch vụ miền núi nên đã góp phần hạn chế tình trạng tư thương ép giá, giúp tăng thu nhập cho bà con để có điều kiện mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán.
Riêng với địa bàn Phú Quý đã triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong mùa thời tiết xấu năm 2024. Nhìn chung thời gian qua, việc vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra huyện đảo khá đều đặn, thông suốt, trong đó có nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sắm tết cho người dân huyện đảo. Như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt các loại, hoa quả chưng tết… với giá cả cao hơn không nhiều so đất liền và lượng hàng hóa khá dồi dào đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng nơi đảo xa.
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trước đó nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Bình Thuận đã tham gia chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Được biết tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường do các đơn vị đăng ký là hơn 391 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng tăng cao vào dịp tết (như gạo, nếp, thịt gia súc, gia cầm, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì gói, rau củ quả, muối ăn, các loại gia vị…). Bên cạnh việc chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo thì một số đơn vị còn tổ chức bán hàng lưu động phục vụ người dân tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.