Hàng năm, khi mùa khô đến, cũng là thời điểm củ khoai mài, hay còn gọi là hoài sơn, sơn dược, một loại dược liệu quý tự nhiên có ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (BTTN Tà Cú), huyện Hàm Thuận Nam đến thời kỳ thu hoạch, được người dân săn tìm. Khác chăng, năm nay sơn dược đang được trồng thử nghiệm ngay dưới tán rừng thành công, kỳ vọng nhân rộng đến các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng để bà con tăng thêm thu nhập thời gian tới.
Dược liệu quý
Khoai mài mọc tự nhiên rất nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta, từ Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị tới Lâm Đồng, Bình Phước… Ở Bình Thuận có độ che phủ rừng khá cao với 43%. Do đặc điểm sinh thái, dưới tán rừng của tỉnh có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như sáo tam phân, mật nhân, huyết rồng, khoai mài…
Để tận mắt nhìn thấy loại dược liệu quý này, chúng tôi theo đoàn cán bộ kiểm lâm, vào tiểu khu 300, xã Thuận Quý, thuộc lâm phận Ban quản lý Khu BTTN Tà Cú. Ở khu vực này có khá nhiều dây khoai mài tự nhiên, đang giai đoạn héo lá, nuôi củ. Thân cây dây leo dài, nhỏ, mọc quấn vào thân của các cây khác. Củ mài có góc cạnh nhìn giống như quả vừng. Lá cây củ mài có hình mũi tên cuống dài, đầu nhọn, màu xanh, gân lá hình lưới. Nằm dưới lòng đất là phần củ với đường kính từ 7-10 cm, chiều dài khoảng 30 – 65 cm. Vỏ ngoài củ mài màu nâu và xù xì, mọc nhiều rễ phụ, bên trong củ có nhựa và không mùi…
Giới thiệu với chúng tôi, ông Hồ Thanh Tuyền – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Tà Cú cho biết, củ mài là bộ phận được dùng làm thuốc, thời gian thu hái vào mùa đông, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, vì đây là lúc củ mài có chất lượng tốt nhất. Thời điểm này, người dân địa phương thường vào rừng để tìm đào củ mài, bán ra thị trường rất được ưa chuộng, với giá bán tại chỗ từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Trong khi đó khoai mài ở Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có giá khoảng 30.000 đồng/kg dù củ lớn, dài. Khoai mài ở Tà Cú khi vào đến TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu có giá từ 100.000 – 200.000 đồng/kg cho thấy tiềm năng rất lớn. Theo ông Tuyền, do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, nên củ mài ở vùng rừng Tà Cú dù nhỏ nhưng thơm ngon, có tính dược liệu cao nên được tìm mua nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Lý giải về việc hàng năm vào thời điểm này rừng Tà Cú lại có nhiều khoai mài tự nhiên, lãnh đạo Ban quản lý khu bảo tồn cho hay, mỗi lần đào củ mài ở gốc, bà con sẽ trừ lại 1 đốt củ bằng đầu lóng tay, lấp đất lại để cây mài tiếp tục phát triển, cho thu hoạch vào năm sau.
Phát triển, nhân rộng tiềm năng nguồn dược liệu
Theo ông Trương Đình Sỹ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, xuất phát từ tiềm năng, lợi thế từ rừng, trong năm 2023 Chi cục Kiểm lâm tỉnh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Mục đích nhằm tạo ra chuỗi giá trị, mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân gần rừng. Theo đó, đơn vị phối hợp các đơn vị chủ rừng thực hiện 4 mô hình trồng dược liệu, bao gồm trồng, chăm sóc 0,1 ha khoai mài dưới tán rừng tự nhiên tại tiểu khu 300, xã Thuận Quý, lâm phận Ban quản lý Khu BTTN Tà Cú.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện mô hình, ông Hồ Thanh Tuyền cho biết, lâu nay người dân khai thác khoai mài tự nhiên, đến nay đơn vị bắt đầu thử nghiệm trồng khoai mài dưới tán rừng của khu bảo tồn. Thời điểm này cây đã cho củ, dù năng suất chưa cao, nhưng vẫn phát triển mạnh so năm ngoái. Mỗi củ có thể đạt trọng lượng từ 3 – 4 lạng và sẽ to hơn nếu chăm sóc tốt. Với diện tích 0,1 ha mô hình (thiết kế dây leo trên lưới), ông Tuyền ước năng suất hiện đạt khoảng 200 – 300 kg, nếu trồng đạt năng suất có thể đạt sản lượng 1 tấn trở lên. Ông Tuyền cũng nhìn nhận, tiềm năng của khoai mài tại khu bảo tồn rất lớn. Địa phương lại có đặc thù về dinh dưỡng, thổ nhưỡng đặc trưng nên chất lượng khoai mài tốt hơn và giá bán cao hơn những nơi khác.
Quan trọng hơn, theo khảo sát của Ban quản lý Khu BTTN Tà Cú, diện tích rừng có thể trồng được khoai mài trong khu bảo tồn khoảng 2.000 ha. Điều này mở ra cơ hội cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng nhân rộng mô hình để tăng thu nhập. Mặt khác, quá trình trồng chăm sóc cây khoai mài, bà con sẽ quản lý bảo vệ rừng tốt và có trách nhiệm hơn.
Dù đã đạt những thành công bước đầu, nhưng theo lãnh đạo BQL Khu BTTN Tà Cú, để phát triển mô hình trồng khoai mài dưới tán rừng vẫn còn nhiều khó khăn về chi phí ban đầu. Đơn vị mong muốn để có thể phát triển diện tích khoai mài, cần nhân rộng cho 45 -50 hộ đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương và tiếp tục trồng nhân rộng ở các hộ dân khác.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hướng tới đơn vị sẽ có sơ kết, đề xuất với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh về cơ chế, chính sách tiêu thụ, hỗ trợ sản phẩm này. Trong tương lai sẽ nhân rộng trồng sơn dược ở núi Tà Cú, phát triển kinh tế cho đồng bào sống ven rừng…
Theo y học cổ truyền, hoài sơn có vị ngọt, tính bình. Một số tác dụng chính của hoài sơn: Tác dụng bồi bổ tỳ vị, tăng cường chức năng tiêu hóa; bổ thận; bổ phổi, điều trị các chứng ho hen; điều trị bệnh tiểu đường…