Các đập tràn trên những con đường chính dẫn vào xã vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam luôn trong tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn. Người dân cũng như chính quyền Mỹ Thạnh mong mỏi, sớm xây cầu hoặc cống thoát nước lớn hơn thay thế đập, tạo điều kiện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của xã vùng cao.
Ở các xã vùng cao thường có đặc điểm nhiều suối, cầu, cống hoặc đập tràn tiêu thoát nước. Ngoài cầu, cống thì đập tràn thường được xây dựng với mục đích vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước nhanh vào mùa mưa lũ, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên khi vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, đập tràn lại ngập chìm trong dòng nước chảy xiết, đây chính là cái “bẫy” nguy hiểm cho người và phương tiện mỗi khi đi qua đây.
Ở Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có 4 đập tràn nằm trên tuyến đường “xương sống” dẫn vào trung tâm xã. Những ngày mưa bão, nhất là mưa lớn kéo dài khiến người dân, chính quyền xã như trong tình trạng mắc kẹt, với tình cảnh đi không được, ở cũng không xong. “Những ngày mưa bão đi đâu thì đi cũng phải lo về nhà trước khi nước nguồn đổ về nhấn chìm các con đập tràn. Khổ nhất là mưa lớn bất ngờ vào buổi chiều, có hôm qua đập không kịp thì bỏ phương tiện, nông cụ ở lại rẫy, rồi leo núi hoặc tìm đường tắt về nhà hoặc ở lại rẫy qua đêm”, ông Trần Văn Khổ và nhiều người đồng bào khác ở xã Mỹ Thạnh chia sẻ.
Cùng với đó, cán bộ công chức, giáo viên ở miền xuôi lên công tác ở xã không ngoại lệ. Có những đêm mưa lớn kéo dài tới sáng, họ chạy xe từ nhà đến xã, trên đường đi thấy đập tràn ngập chìm trong dòng nước chảy xiết, phải chờ cho nước rút mới dám qua đập. Minh chứng rõ nhất, những ngày qua ảnh hưởng cơn bão Saola, mưa lớn kéo dài vào chiều 31/8 khiến nhiều cán bộ, công chức, giáo viên công tác tại xã bị mắc kẹt không thể về nhà sớm như mong đợi.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Hoàng Ngọc Tưởng – nhà ở thị trấn Thuận Nam cho biết: Từ nhà đến cơ quan cách 46 km, trong đó có đoạn không có đèn đường, “ổ voi, ổ gà”, rừng núi vắng vẻ khó đi. Hôm đó tôi về đến nhà khoảng 20 giờ 30 phút.
Những cán bộ khác và thầy, cô trường tiểu học, mầm non Mỹ Thạnh đang chuẩn bị trường, lớp đón chào năm học mới cũng như vậy. Điều đó cho thấy, học sinh đi học sẽ rất bất tiện, vận chuyển nông sản khó khăn. Trước hoàn cảnh ấy, người dân đã kiến nghị nhiều lần với ngành chức năng, nhất là trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Điển hình tại buổi tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 – 2026, người dân đã kiến nghị: Hiện xã Mỹ Thạnh có 4 đập tràn, vào mùa mưa nước nguồn đổ về, đập tràn ngập chìm trong dòng nước chảy xiết, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân cũng như việc học hành của con em trên địa bàn xã. Đề nghị ngành chức năng sớm quan tâm xây dựng cầu để người dân thuận tiện trong việc đi lại.
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Ngọc Tưởng cho biết, Mỹ Thạnh là một trong những xã nghèo, toàn xã có 283 hộ/971 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Rai. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, với 200 hộ, chiếm hơn 70% số hộ trong xã. Những năm gần đây, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế của địa phương tăng, nhưng việc vận chuyển, thông thương nông sản, hàng hóa thiết yếu… ra vào xã cũng như việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Do điểm nghẽn giao thông, tại các đập tràn ngập chìm trong nước chảy xiết không thể đi qua. Chúng tôi cũng mong tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây cầu hoặc cống thoát nước lớn hơn để thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển kinh tế – xã hội của xã.