1. Hiện nay nông dân các địa phương trong tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa vụ mùa. Bà con phấn khởi vì giá lúa cao (trên 9.000 đồng/kg), cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, nông dân huyện Tuy Phong khi sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, vừa đạt năng suất cao, vừa có giá nhích hơn các loại khác, có thời điểm vừa qua đạt 10.000 đồng/kg. Đáng chú ý, trong khi giá lúa cao, thị trường tiêu thụ tốt, nhưng thực tế người trồng lúa thu lãi khá ít so với việc trồng một số loại hoa màu, cây trồng khác.
Theo chia sẻ của nông dân Ức Sinh Quân ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình thì nhà ông trồng 5 sào lúa vụ mùa, ước sản lượng khoảng 2,5 tấn. Lúa trồng vào vụ mùa thường xảy ra tình trạng lúa “lẫn” và sâu đục thân gây hại nên giảm năng suất, chất lượng. Trong khi đó, chi phí đầu tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn tăng cao nên lợi nhuận không như mong muốn.
Rõ ràng với điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, muốn cây lúa có năng suất cao nhưng với mức đầu tư hợp lý, chi phí sản xuất thấp nhất và lợi nhuận cao nhất chính là vấn đề cấp thiết với mọi nông dân. Trong một hội thảo bàn về giải pháp liên kết sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại TP. Phan Thiết mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, hiện nay tỉnh có trên 75% dân số sống bằng nghề nông. Trong đó, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh, với diện tích hiện trạng đất sản xuất lúa thực tế đạt 53.580 ha. Nếu so với các tỉnh Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, năng suất lúa tỉnh Bình Thuận ở mức khá cao, trung bình đạt 5,85 tấn/ha. Đặc biệt, vụ đông xuân có năng suất bình quân cao nhất, đạt 6,68 tấn/ha, nổi bật nhất là huyện Tánh Linh có năng suất lúa bình quân cao nhất với 6,32 tấn/ha, Bắc Bình đạt 6,10 tấn/ha, Hàm Thuận Bắc đạt 5,84 tấn/ha…
2. Cũng tại hội thảo trên, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đã có nhiều tài liệu và các lớp tập huấn, hội thảo cho nông dân về các biện pháp kỹ thuật trồng lúa. Nhưng trên thực tế nhiều nông dân vẫn chưa nắm vững được cơ sở khoa học của các biện pháp kỹ thuật. Chính vì vậy, giá thành sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn còn cao hơn so với một số quốc gia trồng lúa khác do chi phí sản xuất cao, vừa ảnh hưởng tới lợi nhuận của người sản xuất lúa, vừa ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2021 trở về sau, nước ta sẽ phải chịu ảnh hưởng rất khốc liệt của biến đổi khí hậu như hạn, mặn, xói mòn và sạt lở đất. Theo đó, các nhà khoa học đưa ra một số nguyên tắc chung của quy trình trồng lúa thông minh như sử dụng hạt lúa giống và phương pháp sạ (giảm giống), bón phân hợp lý, tưới tiết kiệm nước, quản lý dịch hại tổng hợp, giảm thất thoát sau thu hoạch và giảm phát thải nhà kính để bảo vệ môi trường.
Về phía ngành nông nghiệp tỉnh, theo Trung tâm Giống nông nghiệp, từ thực tế sản xuất và mong muốn đạt hiệu quả cao, nhu cầu của nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, cho năng suất cao cũng như thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, được thị trường chấp nhận. Điều này đồng nghĩa lúa giống phải hội đủ các yếu tố “gen” trội. Đây là thách thức lớn đối với những người làm công tác nghiên cứu lai tạo giống lúa. Công việc chọn tạo cho ra đời giống lúa mới là cả chặng đường dài của sự bền bỉ, kiên trì và nỗ lực. Vì vậy, công tác lai tạo và chọn lọc ra các giống lúa mới cần phải kịp thời để thay thế dần những giống lúa bị nhiễm bệnh, năng suất thấp bằng những giống lúa có năng suất cao, ổn định, được người dân và thị trường ưa chuộng. Hiện nay, Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận đã lai tạo tuyển chọn được trên 50 giống lúa để đưa vào sản xuất. Đặc biệt, một số giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh lai tạo đang được thị trường ưa chuộng như giống lúa TH6, ML48.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 05 ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó, một trong những quan điểm và mục tiêu nêu rõ, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu… Phấn đấu đến năm 2025, ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao 17.745 ha, năng suất trên 60 tạ/ha…
Để đạt được những kết quả này, đòi hỏi người trồng lúa và ngành nông nghiệp, các địa phương cần chú trọng đến kỹ thuật, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, đất đai, mở rộng thị trường tiêu thụ… Đây cũng chính là cách trồng lúa “thông minh” mà các nhà khoa học đã đề cập đến.