Tôi may mắn 2 lần được đến thăm Trường Sa. Chuyến hải trình nào cũng để lại nhiều cảm xúc khó quên và có một sự kiện hết sức thiêng liêng, cảm động là lúc đoàn đi qua vùng biển Cô Lin đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đầu năm 1988, Trung Quốc thể hiện ý đồ đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ, chạy đua cùng thời gian để củng cố, tăng cường thế đứng của ta trên khu vực quần đảo; thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp – giữ vững hòa bình, hữu nghị giữa các bên.
Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không thể khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam; ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công quân sự trên vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc đã bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Đây là cuộc chiến không cân sức bởi cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo của ta trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, trong khi Trung Quốc có lực lượng tàu chiến hùng hậu, được trang bị vũ khí hiện đại.
Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Đó là tấm gương anh dũng hy sinh của anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ – Thuyền trưởng tàu HQ 604. Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó là anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. Các anh đã hy sinh trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tại lễ tưởng niệm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân khẳng định, nguyện mãi mãi tiếp bước, xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Với quyết tâm ấy, tin rằng, cán bộ, chiến sĩ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hôm nay luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thực tế đã chứng minh, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, vừa canh gác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, vừa tăng gia sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cùng với cả nước, Bình Thuận thường xuyên tổ chức đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Năm 2023, đồng chí Phan Văn Đăng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và các ngành cũng đến thăm các đơn vị, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.