Cứ mỗi độ xuân về tết đến là anh chị em văn nghệ sĩ huyện Tuy Phong háo hức chuyền tay, khoe nhau cuốn Đặc san Văn nghệ Xuân mới xuất bản còn thơm mùi mực in.
Đây là ấn phẩm của Chi hội Văn nghệ Tuy Phong (trực thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh) được cấp phép bởi Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Điều đặc biệt là trong các chi hội địa phương của tỉnh Bình Thuận chỉ duy nhất có Chi hội Tuy Phong thực hiện được ấn phẩm này; và việc duy trì xuất bản gần 10 năm nay với kinh phí từ nguồn xã hội hóa, là một sự nỗ lực không nhỏ của những người tổ chức thực hiện.
Năm nay, Đặc san Văn nghệ Tuy Phong Xuân Ất Tỵ – năm 2025 được phát hành khá sớm vào hạ tuần tháng 12 năm 2024, với số lượng in 500 bản, là con số không nhỏ của một chi hội huyện. Ấn phẩm gồm 124 trang, khổ 16 x 24cm, 4 trang bìa giấy cose in các tác phẩm ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh địa phương, cùng với kỹ thuật trình bày, vẽ minh họa đã làm cho hình thức đặc san khá bắt mắt.
Từ khi xuất bản số đầu tiên cho đến nay, đặc san này không chỉ là sân chơi hấp dẫn, bổ ích của anh em văn nghệ sĩ Tuy Phong, mà còn là nơi giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới của văn nghệ sĩ các nơi trong tỉnh, trong nước. Đặc san Xuân Ất Tỵ – năm 2025 vẫn không ngoại lệ, ngoài các văn nghệ sĩ địa phương còn có sự góp mặt của các văn nghệ sĩ từ các địa phương khác, điều đó làm cho ấn phẩm phong phú, đa dạng hơn. Trong huyện, ở lĩnh vực văn học có các tác giả: Nguyễn Hồ Nam, Hồ Việt Khuê, Võ Minh Chiến, Nguyễn Phương, Kinh Duy Trịnh, Hạnh Thuần…; ngoài địa phương, có Phan Chính, Hoàng Hạnh, Nguyễn Dũng. Lĩnh vực thơ trong huyện có các tác phẩm của Huỳnh Hữu Võ, Tô Duy Thạch, Trần Yên Thế, Nguyễn Duy Sinh, Thái Thị Ngân Khang; ngoài huyện có Đông Thùy, Nguyễn Liên Châu, Trần Văn Nghĩa. Lĩnh vực nhiếp ảnh có Huỳnh Trọng Lan, Lê Nam, Duy Hòa, Lê Minh Ngọc…
Bạn đọc sẽ khá ngạc nhiên ở nội dung, là đặc san địa phương nhưng có những bài khảo cứu, nghiên cứu khá sâu. Đó là những bài: Bình Thuận- Nghề làm thủy lợi xưa và nay (tác giả Nguyễn Phương; Ngày ấy, người Chăm trên đất Tuy Phong (tác giả Phan Chính); Rừng lá buông- Trang sử sống của một thời (tác giả Đỗ Vũ); Tiếng quốc kêu trong Sở Ba Nền (tác giả Hoàng Hạnh).
Ở lĩnh vực văn học, có truyện ngắn của các tác giả Hồ Việt Khuê (Bạn cũ ôn chuyện cũ), Nguyễn Hồ Nam (Bánh mì nóng), Hạnh Thuần (Kia là biển khơi xa… rất xa), Nguyễn Dũng (Giọt đời còn đọng).
Lĩnh vực thơ, có các tác giả Trần Yên Thế (Con gái ngày xuân), Trần Văn Nghĩa (Lãng đãng chiều cuối năm), Đông Thùy (Đêm trăng Cổ Thạch Tự), Hoàng Thị Ngân Khang (Mơ), Phạm Bình (Đêm hội cồng chiêng), Nguyễn Duy Sinh (Khúc phiêu ca theo tiếng chim chuyền), Hồ Việt Khuê (Quán chân núi), Nguyễn Liên Châu (Sắc nhớ). Đặc biệt trong ấn phẩm này có các tác phẩm của hai nhà thơ khá nổi tiếng của quê hương Tuy Phong, dù các anh đã mất nhưng thơ anh vẫn trong lòng người yêu thơ: Huỳnh Hữu Võ (Chùm thơ Tứ tuyệt), Tô Duy Thạch (Buổi sáng trên núi Tà Cú).
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/dac-san-van-nghe-xuan-tuy-phong-san-choi-hap-dan-bo-ich-cua-van-nghe-si-dia-phuong-126865.html