“Bồng bềnh, bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng lô nhô rừng cây/ Long lanh trong xanh dòng suối, dập dìu sắc màu chợ phiên …./Vang tiếng khèn chàng xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế /Tiếng đàn môi em nói điều gì cho ta ngồi bên nhau đêm nay”…
Người đàn ông Mông thổi khèn trên đường phố Sa Pa
Đúng như lời bài hát của nhạc sĩ Phùng Chiến, đặc trưng nổi bật của Sa Pa là mây trắng, rừng cây, sắc màu chợ phiên, tiếng khèn… như mặc định sẵn đó là của Sa Pa.
Thị xã Sa Pa nhìn từ núi Hàm Rồng
Hơn 20 năm trước, chúng tôi đến Sa Pa khi địa danh này còn gọi là thị trấn, với khí hậu lạnh đặc trưng không thể lẫn vào đâu và chứng kiến cơn mưa đá hiếm hoi vào buổi tối. Tháng 9/2023 này khi trở lại nơi này, tỉnh Lào Cai đang tổ chức lễ kỷ niệm chào mừng 120 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2023) – sự kiện đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của du lịch Sa Pa. Theo cảm nhận cá nhân thì Sa Pa hiện trở nên “chật chội” hơn dù tỉnh Lào Cai đã quy hoạch mở rộng thị xã từ 120 ha lên 300 ha và đã được các bộ, ngành chấp thuận.
Thác Tiên Sa ở Sa Pa
Thị xã Sa Pa đang là một điểm du lịch có tiếng cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng hơn 30 km. Khoảng cách này giờ đã được rút ngắn hơn khi cầu Móng Sến đã hoàn thành đưa vào sử dụng, du khách không phải đi qua những đoạn đèo hiểm trở, quanh co. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình 1.500 – 1.800 m so với mặt nước biển, Sa Pa luôn chìm trong làn mây bồng bềnh, tạo nên một bức tranh huyền ảo đẹp đến kỳ lạ. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, với nhiệt độ trung bình 15-18°C.
Phụ nữ dân tộc Dáy thêu sản phẩm thổ cẩm
Phụ nữ Dao đỏ bán hàng thổ cẩm tại chợ phiên
Đến Sa Pa các món ăn nướng được du khách ưa thích
Phụ nữ dân tộc Dáy với sản phẩm thổ cẩm
Khách du lịch đến đây không chỉ để tận hưởng không khí trong lành, sự yên bình giản dị của một vùng đất phía Tây Bắc, mà Sa Pa còn là điểm đến để bạn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của những ruộng bậc thang, thác nước, những ngọn núi hùng vĩ, khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa, các món ăn của các dân tộc trên núi như : Mông, Dao đỏ, Tày, Dáy…
Đường lên núi Hàm Rồng
Bản làng của người Mông
Sa Pa có núi Hàm Rồng ở ngay trung tâm thị xã, bất kỳ du khách cũng có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị xã, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Vườn hoa trên núi Hàm Rồng và Nhà thờ đá cổ Sa Pa
Sa Pa còn có nhà thờ đá cổ ở ngay thị xã và từ thị xã đi ngược về hướng đông bắc trên đường đi tới động Tả Phìn có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát.
Bãi đá cổ Sa Pa
Trong suốt chiều dài phát triển, Sa Pa đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc như: là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp và kỳ vĩ nhất thế giới, do Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) công bố năm 2009; 1 trong 10 đường mòn đẹp nhất thế giới, do Nhà xuất bản hướng dẫn du lịch Lonely Planet công bố năm 2011. Năm 2022 Giải đua thách thức nhất hành tinh (Vietnam Moutain Marathon), với nhiều cự ly; trong đó, cự ly chạy 160 km với cung đường xuyên qua bản làng các dân tộc thiểu số, trùng trùng ruộng bậc thang Sa Pa đang mùa lúa chín, giúp các vận động viên tận hưởng khung cảnh thiên nhiên kỳ thú của núi rừng, giải thu hút 5.300 vận động viên từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mùa lúa chín trên ruộng bậc thang ở Sa Pa
Sa Pa có đỉnh Fansipan cao 3.143 m trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Gọi Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Đến Sa Pa bạn không thể bỏ qua nơi này. Được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”, bạn chỉ mất 15 phút để chinh phục điểm cao nhất Đông Nam Á, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới lòng càng cảm thấy tự hào yêu quê hương đất nước mình. Trên cáp treo, du khách được chứng kiến phong cảnh kỳ thú của các đám mây thay đổi liên tục, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mê hoặc.
Cáp treo lên đỉnh Fansipan và khách chụp hình trên đỉnh núi
Theo số liệu từ các đồng nghiệp báo Lào Cai, năm 2022, Sa Pa đón trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch và dịch vụ đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Dự ước năm 2023, Sa Pa đón trên 3,5 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Đám mây kỳ thú trên đỉnh Fansipan
Trong tương lai Sa Pa sẽ phát triển hơn nữa, vì ngày 20/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa – thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Và tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công xây dựng Cảng hàng không Sa Pa. 120 năm du lịch Sa Pa là cột mốc đánh dấu sự phát triển liên tục, không ngừng nghỉ để địa danh này tiếp tục tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Sa Pa đã được Thủ tướng quy hoạch thành Khu du lịch quốc gia