Những tháng còn lại của năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận sẽ được tập trung triển khai quyết liệt nhằm đem lại kết quả theo yêu cầu…
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Bình Thuận hơn 4.849 tỷ đồng, hiện đã phân khai gần 4.235 tỷ đồng (đạt hơn 87% so kế hoạch được giao). Dù vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận tính đến giữa tháng 7/2023 mới đạt 32% so kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 36,64% so kế hoạch vốn đã phân khai chi tiết.
Cụ thể đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, gồm: Vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước giải ngân đạt 21,84% kế hoạch (112.055/513.077 triệu đồng), vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh giải ngân đạt 38,67% kế hoạch (212.677/550.000 triệu đồng). Cùng thời gian, vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối huyện giải ngân đạt 66,16% kế hoạch (297.721/450.000 triệu đồng), vốn xổ số kiến thiết giải ngân đạt 19,22% kế hoạch (288.356/1.500.000 triệu đồng). Còn với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân đạt 47,71% kế hoạch (629.348/1.316.100 triệu đồng), vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giải ngân chỉ đạt 0,85% kế hoạch (1.509/177.000 triệu đồng), vốn đầu tư từ bội chi ngân sách địa phương giải ngân đạt 4,87% kế hoạch (1.401/21.000 triệu đồng)… Liên quan vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin đến giữa tháng 7 có 8 chủ đầu tư giải ngân trên 50% và 8 chủ đầu tư giải ngân trên 30% kế hoạch vốn năm 2023. Ngoài ra có 5 chủ đầu tư giải ngân trên 20%, 6 chủ đầu tư giải ngân trên 10% và 3 chủ đầu tư giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn năm nay, còn lại có 8 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Nhìn chung giá trị giải ngân nguồn vốn đầu tư công qua hơn 7 tháng đầu năm nay tại địa phương đạt thấp, nhiều dự án đã bố trí vốn thực hiện nhưng tiến độ thi công rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bổ sung thiết kế phòng cháy chữa cháy theo quy định mới, chậm thực hiện hồ sơ thủ tục, giá cả nguyên vật liệu và nhân công tăng nên xin điều chỉnh chủ trương đầu tư… Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở ngành, địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư cũng chưa chặt chẽ, thường xuyên bị động. Hay như năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao và chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn. Mặt khác cũng có trường hợp dự án vướng thủ tục thanh lý công trình cũ, tiến độ triển khai thực hiện chậm, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng thi công công trình mới…
Để đến cuối năm đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tới đây của các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư phải được tập trung triển khai quyết liệt. Đối với trường hợp đang thực hiện hoặc khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn của các dự án, đồng thời chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án. Theo đó sẽ đẩy mạnh giải ngân những dự án có khả năng giải ngân cao, hoặc dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng và xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý… Cùng với đó phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cũng như gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công. Quan tâm rà soát tỷ lệ giải ngân từng dự án, nhất là trường hợp có tỷ lệ giải ngân thấp để đánh giá lại tiến độ, điều chuyển số vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã quyết toán hoàn thành hoặc hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, kiên quyết không trả lại kế hoạch vốn năm 2023.
Với các sở thẩm định chuyên ngành (Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường) sẽ tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế – dự toán công trình, thẩm tra, cấp giấy phép… Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ về thời gian thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo đúng quy định pháp luật và tích cực phối hợp xử lý khó khăn, vướng mắc nếu có phát sinh trong quá trình triển khai. Còn các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giao thông, dân dụng và công nghiệp) thì chủ động phối hợp sở ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng, thúc tiến độ thi công công trình. Trong đó với trường hợp dự án không vướng mặt bằng phải yêu cầu đơn vị nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công…