Bên cạnh công bố Quy hoạch tỉnh là kết hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Hy vọng Bình Thuận sẽ đón thêm những “đại bàng” về “lót ổ”.
Công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư
Có một sự trùng khớp đặc biệt, khi ngày đêm 27/12, Bình Thuận tổ chức tổng kết và Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh” thì đó cũng là ngày Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh). Sau bao chờ đợi cho phát triển, vì theo quy định của pháp luật, quyết định này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, bây giờ cũng là thời điểm được ví bắt đầu bước sang trang mới.
Theo Luật quy hoạch, UBND tỉnh sẽ tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh. Vì thế, những ngày qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lên kế hoạch tham mưu UBND tỉnh thực hiện lễ công bố Quy hoạch tỉnh gắn với hoạt động xúc tiến đầu tư. Trước đó, trong một cuộc họp có nội dung liên quan, lãnh đạo tỉnh đã xới lên câu chuyện chủ động mời gọi đầu tư, để xác định được những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực kinh tế lẫn trình độ góp phần phát huy và sử dụng được hết tiềm năng hiện có trên các lĩnh vực ở tỉnh, chứ không nên thụ động chờ nhà đầu tư đến. Vì thực tế cho thấy, điều đó mang lại kết quả không như mong muốn. Và bây giờ, với quy hoạch tỉnh đã có, cũng là có cơ sở để giới thiệu, để kêu gọi, để có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư phù hợp như thế.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức với mục đích công bố công khai toàn bộ nội dung Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp biết và triển khai thực hiện. Đồng thời, thông qua Lễ công bố Quy hoạch tỉnh, tỉnh sẽ giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian sớm nhất.
Sở cũng xác định nội dung công bố Quy hoạch tỉnh đi vào trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đảm bảo tính dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ sử dụng cho Nhân dân và các nhà đầu tư quan tâm. Đồng thời kết hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tập trung vào 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Theo đó, cũng dự kiến bố trí gian hàng giới thiệu tại sảnh đón đại biểu để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương của tỉnh do 4 sở gồm Kế hoạch và đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Qua đó, hy vọng Bình Thuận sẽ đón thêm những “đại bàng” về “lót ổ”.
Xu hướng sẻ chia
Quy hoạch tỉnh như là kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh trong giai đoạn này. Điều đáng chú ý, sự phát triển đó còn phải phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước giai đoạn 2021 – 2030, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong quan điểm phát triển ở 3 lĩnh vực gồm về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; về tổ chức, sắp xếp không gian phát triển kinh tế – xã hội, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, có thể hình dung đến năm 2030, Bình Thuận sẽ như một bức tranh tươi mới, nếu như việc thu hút đầu tư, việc tính toán, bố trí mở không gian phát triển… phù hợp. Đáng chú ý, trong đó nổi lên sự đa dạng, phong phú các loại hình kinh tế mà tỉnh đẩy mạnh phát triển như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Nếu kinh tế số đã lan tỏa trong nhân dân ở tỉnh như một sự đương nhiên cho sinh tồn vào ngay thời điểm trong và sau dịch bệnh Covid -19 thì kinh tế ban đêm, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn cũng đã xới lên mấy năm nay và đã hình thành những ví dụ đại diện hay chứng minh sự có mặt của những loại hình kinh tế này tại tỉnh. Duy chỉ kinh tế chia sẻ, dù có nhen nhóm trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ nhất trong dịch vụ của lĩnh vực du lịch nhưng vẫn là rất mới. Bản chất của kinh tế chia sẻ là tạo nên chuỗi hệ thống giá trị kinh doanh, hợp tác giữa các bên để tạo ra giá trị cho sản phẩm và mỗi một cá nhân trong chuỗi đó sẽ hưởng một phần giá trị tạo ra trong chuỗi và cùng chia sẻ với nhau. Hay nói cách khác, đó là phương thức kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, giúp kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế. Đó đang là xu hướng phát triển kinh tế của thế giới, vì những tiện lợi mang lại.
Điều đáng nói, chính tính chất của loại hình kinh tế chia sẻ phù hợp với quan điểm phát triển của Quy hoạch tỉnh. Đó là “phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là mục tiêu của sự phát triển; hướng tới nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”. Dù phát triển đến đâu đi nữa, việc chia sẻ, đoàn kết cùng nhau đi đến văn minh, tiên tiến vẫn là điều quyết định nhất.
Theo nghĩa rộng, kinh tế chia sẻ thể hiện sự thay đổi phương thức chuyển giao sản phẩm từ chỗ chuyển giao quyền sở hữu sản phẩm sang cung cấp hệ thống dịch vụ sản phẩm theo yêu cầu. Các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến sản phẩm sẽ kết nối với nhau để cung cấp sản phẩm với điều kiện tốt nhất.