BTO-Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay 29/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thảo luận về dự thảo Luật này, các ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình và nhất trí với các nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đồng thời tham gia ý kiến cụ thể vào một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật.
Đề nghị không đưa công trình hạ tầng tại cảng hàng không lưỡng dụng do Bộ Quốc phòng đầu tư vào danh mục tài sản đặc biệt
Tham gia ý kiến cụ thể tại Điều 5 về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết: Căn cứ Nghị quyết 76 ngày 28/11/2013 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 – 2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020. Trong đó có nêu: “Đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay quân sự kết hợp dân dụng tại thành phố Phan Thiết theo quy hoạch”; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay quân sự tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Dự án cảng hàng không Phan Thiết đã được xác định là sân bay lưỡng dụng, trong đó các hạng mục dùng chung do Bộ Quốc phòng đầu tư và nhà đầu tư BOT đầu tư các hạng mục hàng không dân dụng.
Do đó, để nhà đầu tư BOT có thể khai thác, sử dụng chung các công trình kết cấu hạ tầng thuộc khu bay do Bộ Quốc phòng đầu tư tại cảng hàng không Phan Thiết, cũng như huy động nguồn vốn tư nhân thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp và sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không hiện nay do Bộ Quốc phòng quản lý theo Luật PPP (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông kiến nghị xem xét, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 64 và điểm d, đ khoản 2 Điều 65 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng: Không đưa các công trình kết cấu hạ tầng hàng không do Bộ Quốc phòng đầu tư, quản lý tại các cảng hàng không lưỡng dụng vào danh mục tài sản đặc biệt không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và hình thức kinh doanh khác. Việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình lưỡng dụng thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Góp ý cụ thể dự thảo Luật này, theo ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến, dự thảo Luật quy định rất cụ thể khái niệm giải thích từ ngữ liên quan đến tài sản công cũng như phân loại tài sản công; trong đó tài sản công được hiểu là tài sản thuộc về kết cấu hạ tầng. Liên quan tới việc quy định các tài sản được đầu tư tại các lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân cũng là tài sản công được sử dụng trong chiến đấu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nghiệp vụ quốc phòng an ninh của lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với tài sản này, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công sẽ không được phép sử dụng tài sản đặc biệt của các đơn vị lực lượng vũ trang vào mục đích kinh doanh cho thuê liên doanh liên kết và hình thức kinh doanh khác.
Tuy nhiên theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, thực tiễn hiện nay theo Quy hoạch của Chính phủ liên quan tới quy hoạch hệ thống cảng hàng không sân bay, đến năm 2050 có 14 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không quốc nội đều là những cảng có tính chất là sân bay dùng chung cả dân sự và quân sự. Tại Bình Thuận, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự vào năm 2018. Theo đại biểu Yến, đối với nội dung liên quan tới sân bay dân dụng, hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đang đồng ý cho phép sử dụng theo hình thức là hợp đồng BOT để tiến hành đầu tư lựa chọn cho hạng mục của hàng không dân dụng. Tuy nhiên nếu theo chiếu theo quy định của luật hiện hành liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì những công trình do Bộ Quốc phòng tiến hành đầu tư xây dựng tại sân bay Phan Thiết thì nhà đầu tư tư nhân sẽ không được phép khai thác và sử dụng chung những cái công trình kết cấu này.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện những sân bay trên toàn hệ thống thuận lợi hơn trong việc tổ chức thực hiện, đại biểu Yến đề nghị trong dự thảo luật nên bổ sung một mục trong Chương 3 liên quan đến việc quy định về chế độ quản lý cũng như nguyên tắc quản lý và sử dụng khai thác các công trình lưỡng dụng. Đối với nội dung liên quan đến công trình lưỡng dụng, tại Điều 7 của Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 01/01/2025 có quy định: “Công trình lưỡng dụng là công trình sử dụng cho cả mục đích quân sự quốc phòng và mục đích dân sự bao gồm cả công trình dân sự có tính lưỡng dụng và công trình quốc phòng sử dụng lưỡng dụng được cấp có thẩm quyền quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chuyển đổi bổ sung mục đích sử dụng”. Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, với quy định này thì rõ ràng nhà nước cũng khuyến khích việc sử dụng các công trình dân sự cũng như khuyến khích các công trình lưỡng dụng được sử dụng vào 2 mục đích là quân sự và dân sự.
Do vậy nếu bổ sung những quy định, chế độ quản lý khai thác sử dụng đối với những công trình lưỡng dụng trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì mới có thể cho phép khai thác được nguồn lực mà nhà nước đầu tư cũng như những nguồn lực từ hình thức đầu tư theo đối tác công tư, các dự án hợp đồng theo hợp đồng BT hay là hợp đồng BOT. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng như Cơ quan thẩm tra nghiên cứu và bổ sung những nội dung trên để giải quyết vấn đề đang vướng mắc trên thực tiễn.
Giải trình một số ý kiến đề xuất của các đại biểu tỉnh Bình Thuận liên quan đến các công trình sân bay lưỡng dụng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã nghiên cứu, đề xuất phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số sân bay.
Không sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với nhà, đất của doanh nghiệp
Tham gia thảo luận dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên bày tỏ nhất trí với quy định tại điểm b khoản 22 Điều 5 dự thảo Luật. Theo đó không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với nhà, đất của doanh nghiệp; việc quản lý, sắp xếp nhà, đất của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Đối với các hình thức sắp xếp lại và xử lý nhà, đất của doanh nghiệp theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay được quy định tương tự các hình thức xử lý nhà, đất theo các pháp luật nêu trên. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, việc quy định phải thực hiện sắp xếp lại xử lý nhà, đất của doanh nghiệp theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản cộng sẽ làm phát sinh thêm thủ tục khi cần xử lý nhà, đất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thẩm quyền và một số nội dung xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có sự khác biệt với các trường hợp thông thường, dẫn tới chồng chéo trong áp dụng pháp luật, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Việc phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian qua đã dẫn đến các vướng mắc, “điểm nghẽn” trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng khi trong phạm vi dự án có các cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước do công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bị kéo dài và nhiều trường hợp không thể xử lý dứt điểm công tác này. Chính vì vậy, đại biểu Trần Hồng Nguyên nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi nội dung này.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/quoc-hoi-thao-luan-to-ve-du-an-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-125260.html