Đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Tham dự khai mạc phiên chất vấn, tại điểm cầu Nhà Quốc hội còn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Tại điểm cầu Bình Thuận, có các đồng chí: Dương Văn An – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận; Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận, các ĐBQH đơn vị Bình Thuận, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại phiên chất vấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận – Nguyễn Hữu Thông đã chất vấn 2 vấn đề: có phải công tác pháp chế ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc nợ đọng văn bản mà luật giao còn khá nhiều dẫn đến khó triển khai ở địa phương. Liên quan 2 vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thực tế việc nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần sớm ban hành Nghị quyết thay thế. Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về lâu dài, trong xây dựng pháp luật cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, bảo đảm kỷ luật trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp.
Tham gia trả lời đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực Tư pháp, đặc biệt là đội ngũ pháp chế và giám định viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay đội ngũ pháp chế và giám định viên còn mỏng. Có 2 nguyên nhân chính, đó là vướng mắc do thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên các tổ chức pháp chế ở các địa phương phải sắp xếp lại. Thứ hai, đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, nguồn lực bổ sung, tuyển dụng lực lượng tham gia trực tiếp cho lĩnh vực này không thuận lợi vì chính sách khó khăn, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ sâu. Vì vậy, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho giai đoạn 2023 – 2030. Đề án chú trọng đến công tác tuyển dụng, sử dụng, cơ chế chính sách có liên quan; đồng thời chú ý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, yêu cầu nhiệm vụ để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…