BTO-Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi, Việt Nam được đánh giá vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI.
Năm 2023 được đánh giá là một năm thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo đó tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đặc biệt năm 2023, ghi nhận mức vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng 3,5% so cùng kỳ, ước đạt hơn 23,1 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tỉnh Bình Thuận cũng có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh, chính vì thế tỉnh đã đề ra kế hoạch về công tác thông tin đối ngoại nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Tỉnh cũng quảng bá hình ảnh của Bình Thuận ra nước ngoài trên cổng vietnam.vn nhằm quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử tỉnh Bình Thuận, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch,quảng bá các sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Qua công tác thông tin đối ngoại còn quảng bá các hoạt động xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác, xúc tiến quảng bá đầu tư, giao lưu văn hóa, kinh tế đối ngoại của tỉnh nhằm tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị tin cậy và hợp tác đối với bạn bè quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo dựng tốt các mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh với cộng đồng quốc tế. Đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, thúc đẩy giao thương với các địa phương.
Xác định hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đối ngoại, tăng cường quảng bá về hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè quốc tế, tham gia các sự kiện ngoại giao văn hóa, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức và tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh để quảng bá như: Lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh đế quân của người Hoa Phan Thiết, Lễ hội Katê tại Di tích tháp Pô Sah Inư, Lễ hội Trung thu… Tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức và vận động các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia nhiều Hội chợ quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu về hình ảnh quê hương, con người và tiềm năng phong phú của Bình Thuận đến bạn bè quốc tế.
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu hàng hóa đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Quá trình hội nhập đã đóng góp lớn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là mở rộng đầu tư nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu. Bình Thuận cũng được đánh giá là địa phương phát triển đầy tiềm năng, lực lượng lao động dồi dào, có không gian phát triển rộng mở. Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. 3 “siêu dự án” công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD đang được triển khai tại khu vực phía Nam Bình Thuận sẽ biến nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh… Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty thuộc tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) có quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 18.840 tỷ đồng. Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp tỉnh đón thêm dòng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh Becamex VSIP Bình Thuận, năm 2022 Sonadezi cũng triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức nằm tại thị xã La Gi và Hàm Tân. Theo quyết định, dự án có quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm nhà đầu tư.Một “siêu dự án” khác đó là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ). Tổng kinh phí đầu tư cho các dự án này khoảng 1,31 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển nền kinh tế tại tỉnh Bình Thuận. Đây được xem như dự án FDI có quy mô lớn nhất của tỉnh tại thời điểm hiện nay, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và còn có ý nghĩa quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam…