Với ý nghĩa quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh… Hội thảo quốc tế do Cục Du lịch quốc gia phối hợp với Traveloka vừa tổ chức tại thành phố Hà Nội, hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các sở quản lý ngành du lịch một số tỉnh, thành. Hội thảo đã góp phần quảng bá Bình Thuận là điểm đến tuyệt vời của du khách.
Quản lý – phát triển điểm đến
Ý nghĩa quản lý và phát triển điểm đến, hội thảo đã tập trung tham luận những nội dung như: Đẩy mạnh hợp tác công tư; hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch; nâng cao nhận thức, thêm nguồn lực của các điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia.
Tại đây, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý Du lịch Singapore Wong Soon-hwa đánh giá vị thế du lịch Việt Nam “tốt nhất Đông Nam Á” nhưng cần cải thiện quản lý điểm đến. Theo ông Wong, Việt Nam đất rộng và người đông (gần 100 triệu), tạo nên nguồn nhân lực dồi dào để cung cấp cho ngành dịch vụ – du lịch. Việt Nam là điểm đến an toàn nhờ tình hình chính trị ổn định, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu tiên khi muốn rót vốn. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn chưa phải là điểm hút khách hàng đầu khu vực khi đứng sau các nước như Thái Lan, Malaysia. 10 tháng đầu của năm nay, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong khi Thái Lan đã đón hơn 21,5 triệu lượt khách. Do đó, để ngành du lịch Việt Nam phát triển hơn nữa, theo ông Wong, cần phải quản lý tốt các điểm đến.
Ông Albert, đồng sáng lập nền tảng du lịch Traveloka có trụ sở tại 6 quốc gia Đông Nam Á, định nghĩa “điểm đến” không chỉ là những cái tên trên bản đồ mà còn là các trải nghiệm mà khách du lịch và người dân địa phương cùng nhau tạo ra. Với một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam, việc quản lý điểm đến là vô cùng quan trọng. Kim chỉ nam trong việc quản lý một điểm đến chính là tính bền vững, cân bằng được chất lượng và số lượng khách du lịch; phát triển du lịch không chỉ ở hiện tại mà còn cho tương lai…
Dịch vụ phải chuyên nghiệp
Ông Đinh Ngọc Đức, Trưởng phòng Phòng Quan hệ Quốc tế thuộc Cục Du lịch quốc gia, nhận định nếu một điểm đến muốn thành công chính quyền nơi đó cần “đặt trải nghiệm du khách lên hàng đầu”. Trải nghiệm ở đây chính là cung cấp cho du khách các dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh khi khách bỏ tiền ra phải nhận về thứ tương xứng, môi trường sạch đẹp, người dân thân thiện, văn minh, điểm đến an toàn và phát triển bền vững. Ngoài ra, các sản phẩm tour tuyến phải đặc sắc, thủ tục thuận tiện như nhập cảnh đơn giản, di chuyển đến nơi tham quan thuận tiện.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học KHXH&NV, có nhiều điểm đến cũ bị các điểm đến mới cạnh tranh. Do đó các điểm đến muốn phát triển cần có sự thích nghi cao. Chính quyền địa phương cần có các biện pháp để nâng cao lòng tự hào của người dân địa phương với điểm đến, xây dựng các sản phẩm độc đáo không “đụng hàng” với các nơi khác để thu hút du khách cả nội địa và quốc tế. Các chuyên gia du lịch tin rằng, khi Việt Nam thực hiện được những việc như quản lý tốt các điểm đến, đặt trải nghiệm của du khách tại các điểm đến lên hàng đầu, ngành du lịch sẽ phát triển vượt bậc…
Ngoài các tham luận, hội thảo còn thảo luận “bàn tròn” về cách tiếp cận để thiết lập quan hệ đối tác công tư tốt hơn trong việc quản lý điểm đến ở Việt Nam nói chung, các trung tâm du lịch lớn của cả nước nói riêng. Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ công bố ấn phẩm quảng bá điểm đến của du lịch Bình Thuận và du lịch Quảng Ninh do Traveloka hỗ trợ.