Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân sử dụng. Hình thức mua hàng của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online thông qua phương tiện điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
Khó khăn trong vấn đề quản lý
Thương mại điện tử là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác mà một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động này được tiến hành bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Tuy nhiên, theo đại đa số người dùng hiện nay thì thương mại điện tử được hiểu theo nghĩa hẹp đó là, thương mại điện tử là việc mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng Internet. Đối tượng tham gia kinh doanh thương mại điện tử bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam, các hộ và các nhóm cá nhân khác.
Với tính chất đặc thù của hoạt động thương mại điện tử như: Quy mô hoạt động rộng trên môi trường Internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch… khiến cho vấn đề quản lý thuế gặp nhiều khó khăn. Đó là khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế khi các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào; khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế; khó khăn trong việc phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở thu thuế vì trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử…
Hiện nay, theo số liệu trên hệ thống quản lý thuế tập trung của cơ quan thuế, cơ quan thuế các cấp đang theo dõi và thực hiện quản lý thuế đối với một số doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh bao gồm: Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet là 187 doanh nghiệp; doanh nghiệp, cá nhân sử dụng website để hoạt động kinh doanh, mua bán trên không gian mạng 93 cá nhân và doanh nghiệp; cá nhân có sử dụng dịch vụ thu tiền khi giao hàng (hình thức COD) 53 cá nhân; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú có hoạt động cho thuê nhà, phòng trực tuyến qua ứng dụng như Booking.com, Agoda, Experdia, Traveloka 77 doanh nghiệp; hộ, cá nhân kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hơn 1.000 hộ, cá nhân kinh doanh…
Hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thu thuế
Để quản lý đạt hiệu quả, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thu thuế và khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử… UBND tỉnh vừa ban hành Đề án tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm đảm bảo triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm quản lý chặt chẽ nguồn thu trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, đấu tranh xử lý các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh…
Hiện nay, ngành thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời tự kê khai chịu trách nhiệm trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế, các quy định, chính sách pháp luật về thuế đã dần hoàn thiện để tăng cường trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh, cũng như cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng hạn các thông tin chung của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ngành Thuế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử.
Thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm quản lý chặt chẽ nguồn thu trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, đấu tranh xử lý các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức thuế theo đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên từng địa bàn. Bên cạnh đó xây dựng cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử để báo cáo Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính phục vụ công tác chỉ đạo chung trong toàn quốc đảm bảo thu đúng, thu đủ đối với hoạt động thương mại điện tử, hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thu thuế…