Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết đại hội 14, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ngoài dự báo, thậm chí là chưa từng có trong tiền lệ.
Thế nhưng trong chính khó khăn lại là thước đo bản lĩnh, ý chí, tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để rồi “biến nguy thành cơ” với sự quyết tâm, quyết liệt để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết đã đi qua, nhìn lại Bình Thuận hoàn toàn có thể tự hào vì đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. “Quả ngọt”, trong nửa nhiệm kỳ gian khó như tiếp thêm sức mạnh, cũng trở thành động lực để Bình Thuận tự tin bước tiếp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết các cấp, trọng tâm là Nghị quyết 14 đã đề ra.
Bài 1: Sức mạnh từ nội lực
Nghị quyết là phương thức lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết “đúng, trúng” thì việc lãnh đạo triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực. Nắm bắt những thành quả của nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ Bình Thuận đã đặt ra những kỳ vọng mới trong giai đoạn 2020 – 2025, từ đó kết tinh những giá trị tốt đẹp đưa vào nghị quyết đại hội 14. Bởi thế mà nghị quyết của Đại hội 14 ra đời, mang trên mình sức sống mãnh liệt, hội tụ đủ tầm nhìn, sứ mệnh mà cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh tin tưởng và gửi gắm.
Nghị quyết mang hơi thở cuộc sống
Bình Thuận là tỉnh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Hơn 30 năm tái lập tỉnh, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ và có những kết quả hết sức cụ thể. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Tỉnh đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. Nhờ đó, Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ.
“Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”. Lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã trở thành kim chỉ nam để không chỉ Bình Thuận mà các tỉnh, thành trong cả nước quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Thành quả của các kỳ đại hội trước, là tiền đề để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đặt ra mục tiêu: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng – an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển ba trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. 23 chỉ tiêu chủ yếu cũng đã được Đại hội đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 như, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 7,0 – 7,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 0,7 – 1%/năm. Bình quân hằng năm phát triển 2.000 đảng viên và có hơn 75% tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng cấp trên cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…
Để đạt được mục tiêu trên, Đại hội 14 đã thông qua 13 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế; ưu tiên phát triển ba trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp. Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, rừng, vệ sinh, môi trường, phòng, chống dịch bệnh và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm hiệu quả…
Cùng với đó là 3 khâu đột phá: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; chú trọng xây dựng cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng và bảo đảm tính kế thừa. Tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng công nghệ số. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển.
Khát vọng và mục tiêu phát triển đều được thể hiện rất rõ ràng, cụ thể trong các nghị quyết, chỉ tiêu được đề ra tại đại hội. 23 chỉ tiêu chủ yếu, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược, thể hiện sự cô đọng nhất những công việc mà Bình Thuận phải làm trong cả nhiệm kỳ 5 năm. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh khi nghiên cứu nghị quyết đại hội 14 đều có thể hình dung được sự phát triển của tỉnh sau này.
Những “cơn gió ngược”…
Nghị quyết đúng, trúng và hay như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu không được triển khai thực hiện thì sẽ mãi nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở dồn sức với quyết tâm cao nhất để thực hiện tốt Nghị quyết đại hội 14 đã đề ra. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, Bình Thuận gặp không ít những khó khăn, bất lợi, thậm chí có những tình huống chưa từng có trong tiền lệ.
Năm đầu tiên bắt tay vào thực hiện Nghị quyết, cũng chính là thời điểm đại dịch Covid -19 hoành hành, Bình Thuận là tỉnh nằm ngay cửa ngõ điểm nóng TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Trong tình cảnh trên, Bình Thuận vừa chống dịch, vừa chăm lo đời sống cho nhân dân trong tỉnh, rồi lại mở các chuyến xe vào các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đón người dân trở về quê. Cũng thời điểm này, thanh long – sản phẩm lợi thế của ngành nông nghiệp không xuất khẩu được sang Trung Quốc do biên giới đóng cửa vì dịch bệnh, đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành năng lượng, một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh bị “đứt gãy”. Và có thể nói, thời điểm này khó khăn lớn nhất đối với Bình Thuận đó chính là bị chi phối bởi một số vụ án, vụ việc vi phạm được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý; nhiều cán bộ bị khởi tố, kỷ luật ở nhiều hình thức khác nhau; tỉnh phải liên tục thay thế cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt. Khó khăn chồng chất khó khăn, đã tác động tiêu cực đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự kế thừa liên tục trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian qua. Tất cả đã tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết. Bình Thuận sẽ phải vượt những “cơn gió ngược” này như thế nào?
Vượt khó
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Bình Thuận luôn có sự khác biệt khi biết phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn. Bình Thuận đã quán triệt tốt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về việc linh hoạt trong chống dịch và điều hành phát triển các mặt kinh tế – xã hội. Bình Thuận cũng thực hiện có hiệu quả tinh thần biến “nguy” thành “cơ” và tinh thần dám chấp nhận, dám đối mặt với khó khăn để tìm cách khắc phục chứ không buông xuôi hoặc vin vào khó khăn khách quan để biện bạch cho những yếu kém chủ quan.
Để thực hiện thành công nghị quyết đại hội 14, một trong những vấn đề đầu tiên được Bình Thuận đặc biệt chú trọng và triển khai ngay sau đại hội là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo phương châm“hướng về cơ sở”; quyết liệt hành động; rõ việc, rõ lộ trình thực hiện; đồng thời phát huy cao nhất tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các lĩnh vực từ kinh tế – chính trị – xã hội… được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. Tinh thần đổi mới được thể hiện rất rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND tỉnh và lan tỏa tới tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương, đơn vị. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn lựa chọn những vấn đề trọng tâm, thiết yếu nhất, có tác động mạnh mẽ nhất tới sự phát triển đột phá của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả. Việc bàn, ra nghị quyết cũng được đổi mới và nâng cao chất lượng, theo đó chỉ bàn và ra nghị quyết chuyên đề tập trung vào những vấn đề lớn, trọng tâm, nội dung nghị quyết ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng. Trong nửa nhiệm kỳ qua đã có rất nhiều nghị quyết, quy định về cơ chế, chính sách được ban hành, kịp thời giải quyết, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển.
Song song đó, các cấp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm làm cho sức sống của các chỉ thị, nghị quyết bám rễ sâu bền và phát huy tác dụng tích cực hơn trong thực tiễn.
Đặc biệt, nửa nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao đã có nhiều chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận. Điều đó, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Trung ương mà còn gợi mở, định hướng những chiến lược, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” để đưa Bình Thuận bứt phá vươn lên. Điển hình, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận. Trong phiên làm việc Thủ tướng đã chỉ rõ “Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bình Thuận phải nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu”.
Được sự hậu thuẫn từ Trung ương, cùng với những đổi mới, sáng tạo trong tư duy và hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và hơn nữa đó là sự chung tay, đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết Đại hội đề ra để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt Đảng bộ chúng ta cần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Quyết tâm xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng bộ vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận nhanh, bền vững trong thời gian sắp tới”.
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh
Bài 2: Hiện thực hóa các mục tiêu