BTO-Tại kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) diễn ra sáng 15/5, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết về Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý.
Mục tiêu đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực gây sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, di tích văn hoá, lịch sử khu vực bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong khu vực, cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo nội dung nghị quyết, dự án có quy mô đầu tư xây dựng 2 đoạn kè có tổng chiều dài khoảng 1.900 m: Đoạn 1 có chiều dài khoảng 560 m và đoạn 2 có chiều dài khoảng 1.340 m. Trên tuyến kè bố trí hệ thống tiêu nước, đường quản lý trên đỉnh kè, đường kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, bậc lên xuống mái kè và các hạng mục phụ trợ khác. Đây là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cuối giai đoạn 2021-2025, chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm, thực hiện vào cuối giai đoạn 2021-2025 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030 theo hình thức đầu tư mới.
Được biết, đảo Phú Quý là nơi vào các tháng của mùa gió Tây Nam gây nên sóng biển cấp 6, cấp 7 thường xuyên tác động vào bờ nhiều lúc kéo dài hàng tháng cho nên mức độ sạt lở bờ là khá cao. Mặt khác, do hằng năm trên đảo có 2 mùa rõ rệt, gió mùa Đông Bắc (bắt đầu từ tháng mười và kết thúc vào tháng tư năm sau) và gió mùa Tây Nam (bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9), từ 2 cơ chế gió mùa này đã dẫn đến hiện tượng xâm thực tại đảo Phú Quý.
Cụ thể, đối với đoạn đường bờ dự kiến xây dựng kè tại khu vực thôn Quý Hải, thôn Tân Hải xã Long Hải có chiều dài khoảng 2 km mức độ xâm thực vẫn diễn ra khá mạnh do chưa có công trình bảo vệ bờ biển. Từ giai đoạn năm 2011 đến nay thực tế đã bị xâm thực mất đi hơn một dãy nhà của người dân ven biển và chiều sâu xâm thực vào bờ khoảng 12 – 15 m đất bờ biển, sát vào tuyến đường Lê Hồng Phong. Mặc dù thời gian vừa qua, để bảo vệ phần diện tích đất còn lại, người dân ven biển đã phải tự đầu tư kè chắn bằng hệ thống ống đúc bằng xi măng, kè đá, bao cát…, rất tốn kém nhưng không hiệu quả, hàng năm đến mùa gió Đông Bắc lại bị cuốn trôi, phải gia cố lại. Do đó, việc đầu tư dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý rất cần thiết.