Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi; có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, điện mặt trời; có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển; tiềm năng phát triển du lịch; nhiều khoáng sản, đặc biệt có trữ lượng dầu mỏ lớn…
Thủ tướng nhấn mạnh: “Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững”.
Vậy kinh tế xanh là gì? Theo Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra định nghĩa kinh tế xanh (Green Economy) là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”.
Trên thế giới, hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung sẽ bám sát vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Điều này khá tương đồng và hợp lý với Bình Thuận hiện đang chủ trương phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: “Công nghiệp – Du lịch – Nông nghiệp”.
Vì vậy, Bình Thuận tập trung phát triển kinh tế xanh ở 3 trụ cột “Công nghiệp – Du lịch – Nông nghiệp” là đúng thực tế địa phương và xu thế thời đại. Bình Thuận đang có tiền đề, điều kiện tốt để chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế xanh với “thiên thời – địa lợi- nhân hòa”. Có thể khẳng định kinh tế địa phương dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đã có nhiều cố gắng để phục hồi khá sớm trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,56%, năm 2023 tăng 8,1%, ở mức cao của cả nước.
Ở trụ cột công nghiệp, được ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 39.102 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2022. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW, tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD và UBND tỉnh đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Kho cảng LNG với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD triển khai tại KCN Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân. Đây là các dự án đầu tư có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh đều được các nhà đầu tư cam kết bảo vệ môi trường (tiêu chuẩn COP26) theo hướng kinh tế xanh. Đặc biệt có 2 dự án điện gió ngoài khơi đang được xúc tiến thủ tục kỹ thuật (đo gió) là Thanglong Wind và La Gàn, mỗi dự án năng lượng xanh này đều có vốn đầu tư trên 10 tỷ USD.
Ở trụ cột du lịch, đây là lĩnh vực kinh tế có tốc độ phục hồi khá nhanh. Năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 8,35 triệu lượt khách, tăng 46% so năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 230.000 lượt (tăng 46%), khách nội địa đạt 8,12 triệu lượt (tăng 44%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 22.300 tỷ đồng (tăng 62% so năm 2022). Có nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc ven biển thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn, các tổ hợp du lịch – dịch vụ góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và đang phấn đấu đạt các tiêu chí kinh tế xanh, như: APEC Mandala Wyndham Mũi Né, Mũi Né Summerland, Tổ hợp dự án NovaWorld Phan Thiết, Thanh Long Bay, Centara Mirage Resort Mui Ne, Lagi New City… Ngoài ra, với xu hướng thân thiện với môi trường thiên nhiên, Bình Thuận đang phát triển các loại hình du lịch xanh như: cắm trại, chèo thuyền, leo núi, vượt thác, câu cá ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Phú Quý, du lịch sinh thái Bình An farm.
Ở trụ cột nông nghiệp – ứng dụng công nghệ cao, hiện tại Bình Thuận đã hình thành các vùng chuyên canh cây thanh long chất lượng cao tại huyện Hàm Thuận Nam 7.624 ha, Hàm Thuận Bắc 2.436 ha. Hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao 24.413 ha ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh. Toàn tỉnh hiện có 9.037 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP; 560 ha thanh long được chứng nhận GlobalGAP. Có nhiều mô hình sử dụng công nghệ tiên tiến như tưới tự động, nhà màng trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao như rau, hoa, nho, dưa lưới. Toàn tỉnh hiện có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học và ngừa dịch bệnh.
Kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của Bình Thuận trong phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy tỉnh cần xác định kế hoạch tập trung, ưu tiên thực hiện trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành và định hướng của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi về thăm Bình Thuận.