Tiềm năng và lợi thế của công nghiệp Bình Thuận không thể không nhắc đến điện gió ngoài khơi – lĩnh vực đang có sức thu hút lớn đối với nhà đầu tư trong, ngoài nước. Khi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời qua đó còn góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Lĩnh vực nhiều lợi thế
Với lợi thế sở hữu đường bờ biển dài 192 km, diện tích vùng biển nội thủy khoảng hơn 20.200 km2 là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận tập trung phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Thêm nữa, Bình Thuận cũng được đánh giá là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió thuộc loại cao nhất trong cả nước. Cụ thể: Tốc độ gió trung bình trên bờ tại nơi đây là 6,8 m/s, còn tốc độ gió trung bình trên vùng biển đạt khoảng 8 – 14 m/s và thường ổn định nên rất phù hợp cho đầu tư phát triển điện gió kể cả trên bờ lẫn ngoài khơi… Riêng với điện gió ngoài khơi, hiện Bình Thuận đang tạo sức thu hút lớn và được các nhà đầu tư khắp nơi quan tâm cũng như mong muốn triển khai dự án trên lĩnh vực này. Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký, đề xuất triển khai dự án điện gió ngoài khơi và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho một tổ chức thực hiện nghiên cứu khảo sát để phát triển dự án trên vùng biển tỉnh Bình Thuận…
Giữa tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng Chính phủ cũng có công văn giao Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch thực hiện theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023… Được biết, Quy hoạch điện VIII sẽ là cơ sở pháp lý bước đầu, rất quan trọng để định hướng phát triển các dự án nguồn điện – lưới điện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên phạm vi cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Theo đó, Quy hoạch điện VIII cũng xác định đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong cả nước đạt khoảng 6.000 MW. Dù vậy ở giai đoạn này, quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, còn định hướng đến năm 2050 công suất đạt từ 70.000 – 91.500 MW.
Cùng với đó, Quy hoạch điện VIII đã định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió trên bờ… để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới đến năm 2035 sẽ vào khoảng 15.000 MW và đến năm 2050 đạt khoảng 240.000 MW…
Mở ra cơ hội mới
Liên quan vấn đề này, Hội thảo khoa học với chủ đề “Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển” cũng vừa diễn ra tại TP. Phan Thiết vào cuối tháng 8/2023. Sự kiện này do Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch xúc tiến tổ chức. Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng cho biết quan điểm của địa phương rất ủng hộ các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính, kinh nghiệm đến đầu tư điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng cam kết tạo môi trường thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi ở nơi đây… Nhân dịp này, Tập đoàn CIP cùng với Tập đoàn Đại Dũng đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ghi nhận ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo cho thấy việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi có thể mang lại nhiều lợi ích đối với cộng đồng cũng như phát triển hài hòa các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái nếu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cao… Theo ông Stuart Livesey – Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam và là Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (La Gan Wind) thì Bình Thuận là một trong những khu vực có tiềm năng gió tốt nhất của cả nước. Nơi đây còn có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tua – bin gió cố định, đồng thời có tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện quy mô lớn phục vụ khai thác năng lượng gió. Việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi hứa hẹn tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người lao động, mặt khác sẽ đem đến cơ hội chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi cung ứng giúp ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ngày càng phát triển… Qua tìm hiểu được biết, Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đăng ký đầu tư tại Bình Thuận có công suất lên đến 3,5 GW (tương đương 3.500 MW), với tổng vốn đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD và đang kỳ vọng là dự án tiềm năng trong Quy hoạch điện VIII.
Trao đổi về điện gió ngoài khơi, ông Võ Văn Hòa – Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho rằng lĩnh vực này có những yêu cầu đặc thù từ khâu khảo sát, thiết kế, gia công chế tạo, lắp đặt đến vận hành, bảo dưỡng, kết nối với hệ thống đường dây truyền tải điện quốc gia… rất khác biệt so điện gió trên bờ và càng khác biệt so với các dạng năng lượng tái tạo khác. Để phát triển bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi thì địa phương rất quan tâm việc chuyển giao công nghệ, thu hút dự án lớn về đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Qua đó nhanh chóng phát triển cũng như tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị kỹ thuật, nhất là trang thiết bị có công nghệ cao, công nghệ nguồn… nhằm góp phần đem lại hiệu quả cao nhất.
Như vậy giai đoạn tới đây, điện gió ngoài khơi sẽ mở ra cơ hội mới cho địa phương xúc tiến mời gọi các dự án đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng, đồng thời có đóng góp tương xứng trong phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế của Bình Thuận như mục tiêu Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) đã đề ra.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cam kết quan trọng, quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050… Hưởng ứng và triển khai cam kết của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho phù hợp. Trong đó có định hướng ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất…
Bài 1: Bước chuyển mình tích cực