Ở phía Nam Bình Thuận, huyện Hàm Tân là địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, đến nay có một số dự án khu công nghiệp quy mô lớn đã và đang xúc tiến triển khai đầu tư. Định hướng phát triển lĩnh vực này, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, qua đó tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội huyện nhà.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua Hàm Tân luôn chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 (ngày 31/12/2021) của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, nỗ lực vượt khó của địa phương cũng như kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp… nên lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện từng bước ghi nhận những tín hiệu khởi sắc.
Đối với Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 1, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc thu hồi diện tích 76,78 ha và giao nhà đầu tư thuê đất để đầu tư dự án (đợt 1) thì đã được khởi công vào cuối tháng 8/2022. Hiện chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chủ đầu tư tập trung thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhất là tại khu vực dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II, dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ để có mặt bằng giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng. Trong khi dự án KCN Tân Đức đến nay cũng hoàn thành hồ sơ kiểm kê thực địa đạt tỷ lệ 100% với diện tích gần 300 ha, đồng thời đã phê duyệt phương án bồi thường và tiến hành chi trả đền bù…
Mới đây, ngành công nghiệp địa phương tiếp tục đón thêm tin vui khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ 2 (giai đoạn 1) với diện tích gần 470 ha cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Sài Gòn. Còn về thu hút đầu tư, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ cho Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ. Được biết, dự án này có quy mô giai đoạn 1 đạt 3,6 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 nâng lên 6 triệu tấn LNG/năm với tổng vốn đầu tư hơn 1,33 tỷ USD.
Liên quan lĩnh vực công nghiệp, đến nay địa phương đã triển khai thực hiện xây dựng Phương án phát triển các cụm công nghiệp (CCN) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch sử dụng đất của huyện. Theo đó giữ nguyên hiện trạng quy hoạch CCN Thắng Hải 1, 2, 3 (140 ha), điều chỉnh diện tích CCN Nghĩa Hòa (từ 35 ha xuống 32,14 ha), đưa ra khỏi quy hoạch CCN Sông Phan (30 ha), bổ sung quy hoạch CCN Tân Phúc 1 (59 ha) và CCN Tân Phúc 2 (hơn 50 ha)… Trong thu hút dự án thứ cấp, hiện các CCN trên địa bàn huyện Hàm Tân cũng có một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư, như: CCN Thắng Hải 1 mời gọi được 6 dự án với diện tích lấp đầy hơn 90%, còn CCN Nghĩa Hòa thu hút dự án Nhà máy sản xuất vali, túi xách quy mô 10 triệu sản phẩm vali/năm và 40 triệu sản phẩm túi xách/năm…
Xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, vì vậy Hàm Tân sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp vào thời gian tới. Đó là phát triển ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa chú trọng các ngành, lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng của huyện nhà (như điện khí, điện mặt trời…). Ngoài ra ưu tiên phát triển sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Mặt khác còn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đổi mới công nghệ vào các khâu sản xuất, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt 900 tỷ đồng.
Tới đây, huyện Hàm Tân cũng tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch đến chân hàng rào các CCN. Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư các khu – cụm công nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu, yêu cầu phục vụ phát triển công nghiệp địa phương. Cùng với đó còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách phát triển công nghiệp – thương mại, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách khuyến công của Trung ương và địa phương. Đồng thời phối hợp các sở ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp trên địa bàn…