Đây là tin vui đối với những doanh nghiệp, cơ sở và cả người dân đang tham gia sản xuất, nuôi tôm giống lẫn tôm thịt trên địa bàn tỉnh. Khi dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Bình Thuận” được hoàn thành, sẽ góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm tôm Bình Thuận, đời sống của người dân được nâng cao và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Tại sao tôm giống Bình Thuận nức tiếng?
Tại Bình Thuận, nghề sản xuất tôm giống đã bắt đầu từ những năm 1985 và có mặt ở thị trường miền Nam từ những năm 1990, khi nghề nuôi tôm nước lợ ở đồng bằng Sông Cửu Long mới bắt đầu phát triển. Theo lời chia sẻ của ông Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, khi khảo sát các hộ ở các địa phương nuôi tôm trọng điểm như Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre… hầu hết đều khẳng định rằng chất lượng con giống được sản xuất tại Bình Thuận có tỷ lệ sống sót cao hơn so với những nơi khác và tôm mau lớn. Hiện nay, ngoài thị trường miền Tây, tôm giống Bình Thuận đã lan rộng ra những địa phương có nghề nuôi tôm ở miền Trung lẫn miền Bắc. Hàng năm, sản lượng tôm giống Bình Thuận xuất bán cho các tỉnh miền Nam và miền Trung chiếm khoảng 80%, còn lại là các tỉnh phía Bắc.
Để làm rõ câu hỏi trên, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ – Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản Trường Đại học Thủy sản Nha Trang phân tích rõ: “Bình Thuận là vùng đất hội tụ điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành nghề thủy sản, nhất là sản xuất tôm giống. Bình Thuận là 1 trong 5 vùng hiếm hoi trên thế giới có vùng nước trồi dinh dưỡng cao, có độ mặn ổn định, không có nước ngọt từ sông ngòi đổ vào biển nên giàu hàm lượng khoáng. Thành phần khoáng chất trong nước có tỷ lệ hợp lý, rất phù hợp để nuôi tôm giống, giúp con tôm phát triển nổi trội hơn so với những địa phương khác. Không chỉ vậy, khu vực nuôi nơi đây có nhiều rặn san hô có tác dụng lọc nước biển. Nước sạch là yếu tố quan trọng để nuôi tôm giống thành công. Đặc biệt, khi tôm nuôi thành phẩm sẽ có màu sắc đẹp, độ ngon, ngọt hơn hẳn con tôm nuôi ở những tỉnh, thành khác. Đó là lý do vì sao các vùng nuôi tôm lớn ở các tỉnh miền Tây vẫn tìm về Bình Thuận mua tôm giống, dù các tỉnh này vẫn có doanh nghiệp cung cấp giống”.
Với những lý do đầy tính thuyết phục trên, nên sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ những năm qua đạt 25,3 tỷ con post/148 cơ sở và chiếm 20% sản lượng tôm giống của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 148 doanh nghiệp, cơ sở với 730 trại sản xuất tôm giống. Sản xuất tôm giống tại Bình Thuận hiện nay chủ yếu trên 2 đối tượng là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo thời gian, công suất và quy mô trại giống cũng không ngừng nâng lên do các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tôm giống chú trọng nâng cấp, áp dụng kỹ thuật khoa học tiên tiến. Nhiều cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, quy trình kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất tôm giống.
Cần thiết phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Ông Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận cho biết: “Để giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tôm giống theo hướng chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh. Đối với nguồn tôm bố mẹ, Công ty CP Thủy sản Việt Úc là đơn vị tiên phong đã thành công trong việc nghiên cứu tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ, có thể truy xuất nguồn gốc, giống có tỷ lệ sống cao, có sức đề kháng và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, không còn phụ thuộc vào nguồn nhập ngoại như Mỹ, Thái Lan, Singapore…
Qua đó có thể thấy, việc tự chủ tôm bố mẹ càng khẳng định lợi thế nghề sản xuất tôm giống của tỉnh Bình Thuận trong vùng Nam Trung bộ và cả nước. Tôm giống Bình Thuận cũng đã được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 79 ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ”.
Tại hội nghị “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm của Bình Thuận” mới đây, bà Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Việc bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm Bình Thuận ngày một tốt hơn, góp phần mở rộng khu vực sản xuất, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu tôm Bình Thuận. Ngoài ra, Bình Thuận vừa là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, kết hợp với việc sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý không những tạo nên danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm tôm, mà còn thu hút đầu tư và quảng bá phát triển dịch vụ du lịch cho Bình Thuận”.