Trong bối cảnh mới hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.
Đối với ngành du lịch, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang là yêu cầu được đặt ra. Nghị quyết số 08, ngày 16/1/2017, của Bộ Chính trị, về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao… Trên cơ sở xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình Thuận được biết đến là tỉnh có tài nguyên nhân văn đa dạng, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Dinh Vạn Thủy Tú, Mũi Điện Khe Gà, tượng Phật nằm dài 49 m, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự… Bên cạnh đó còn có các lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Katê, Lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội rước đèn Trung Thu… Trên địa bàn tỉnh có 34 dân tộc cùng sinh sống như dân tộc Kinh, Raglai, Hoa, Chăm, Giarai, Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng… mỗi dân tộc có những nền văn hóa, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống, lễ hội, lịch sử khác nhau tạo cho tỉnh một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Và những sản phẩm đặc trưng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận như Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, Đồi cát bay Mũi Né, Bãi đá Cổ Thạch, Resort – hotel nằm ven biển nhiều nhất, Lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân, Rồng xanh dài nhất, Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng thanh long nhiều nhất, nuôi trồng tảo quý Spirulina… Với thuận lợi về vị trí, nhiều tài nguyên du lịch là động lực cho ngành du lịch phát triển, hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo thống kê sơ bộ, Bình Thuận có hơn 127 tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Với lợi thế về tài nguyên du lịch cùng khí hậu nắng ấm quanh năm, ít mưa bão, Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch văn hóa, tín ngưỡng, du lịch lặn biển, nghiên cứu các hệ động, thực vật dưới biển, du lịch cộng đồng… Đặc biệt là tài nguyên du lịch biển đặc thù của du lịch Bình Thuận, với các vùng cảnh quan đẹp và hấp dẫn chạy dọc bờ biển, nổi bật nhất trong số đó là Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Đây chính là sự khẳng định thương hiệu vững chắc nhất đối với du lịch Bình Thuận. Ngoài ra, còn có các vùng cảnh quan giàu tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai như các vùng hải đảo, vùng rừng tự nhiên, hồ nước nhân tạo, thác nước, suối nước nóng, và các công trình kiến trúc và di tích lịch sử truyền thống… Phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch và thể thao, tắm biển, du lịch lễ hội và hành hương, du lịch nông nghiệp cũng là lợi thế của du lịch Bình Thuận.
Chính vì thế, việc bảo tồn và phát triển cảnh quan gắn liền với việc gìn giữ các giá trị truyền thống của các làng nghề thủ công truyền thống đảm bảo các hoạt động bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch phải gắn liền với đời sống và phong tục tập quán của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức của người dân và làm tăng các giá trị văn hóa truyền thống… Bên cạnh đó, tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, thông qua việc thu hút các nguồn lực đầu tư, bao gồm cả nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Qua đó, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, khai thác và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác phát triển du lịch.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-tai-nguyen-du-lich-tu-nhien-va-nhan-van-cua-tinh-128035.html