Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Tánh Linh chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hộ ông Trương Khắc Dũng ở thôn 3, xã Đồng Kho hiện có tổng diện tích sản xuất canh tác 16 ha, trong đó 12 ha chuyên trồng lúa chất lượng cao, 2 ha trồng cây cao su, 2 ha trồng cây điều ghép. Từ khi Hội Nông dân phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững, ông Dũng đã chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng vào mô hình của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, thu nhập hàng năm của gia đình ông Dũng đạt từ 700 – 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 người, vào mùa vụ là 10 người tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình ông Dũng còn đầu tư máy móc như máy cày, máy xới, máy gặt để thực hiện dịch vụ sản xuất cho bà con nông dân ở địa phương và cho thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 250 – 300 triệu đồng/năm.
Hộ bà Nguyễn Thị Hà (dân tộc K’ho) thôn 1, xã Măng Tố với mô hình Mây tre đan mỹ nghệ, nhận gia công đan lát các sản phẩm mỹ nghệ bằng vật liệu như tre, song mây, bèo tây, cây chuối khô hoặc sợi nhựa. Cho đến nay Tổ Mây tre đan mỹ nghệ có 112 thành viên tham gia nhận hàng để sản xuất, thu nhập bình quân từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, gia đình bà Hà còn canh tác 2 ha cao su, 2 ha điều và 0,5 ha lúa với tổng thu nhập 320 triệu đồng/năm.
Những mô hình sản xuất hiệu quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng như gia đình ông Dũng, bà Hà đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện Tánh Linh. Không ít hộ trước đây kinh tế khó khăn, nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi đã vươn lên trở thành những hộ khá giả.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tánh Linh cho biết: Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển sâu rộng, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện, thời gian qua Hội Nông dân huyện đã tập trung vào hoạt động phối hợp dạy nghề, đào tạo nghề nông dân nông thôn gắn với tạo việc làm, tư vấn phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo vốn cho nông dân… Qua bình xét giai đoạn 5 năm (2017 – 2022), toàn huyện có 6.989 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Trong đó cấp Trung ương 25 hộ, cấp tỉnh 292 hộ, cấp huyện 821 hộ, cấp xã 5.851 hộ. Từ kết quả của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Qua đó, thể hiện được vai trò, vị trí của công tác Hội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tập trung triển khai vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn và công tác chuyển giao tiến bộ khoa học cho nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tạo vốn cho nông dân thông qua các kênh liên tịch và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân để nông dân có điều kiện tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Cùng với đẩy mạnh công tác tư vấn phát triển kinh tế tập thể trên cơ sở phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã làm trung tâm xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.