Dân chủ ở cơ sở không chỉ là nền tảng của một xã hội công bằng, minh bạch, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tại Bình Thuận, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vai trò trung tâm của người dân trong việc xây dựng chính quyền gần dân, hiểu dân và vì dân…
Những kết quả nổi bật
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, năm 2024, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm. Cụ thể các dự án: Cảng hàng không Phan Thiết; Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam); tuyến đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam) và đường Hàm Kiệm – Tiến Thành; Chung cư sông Cà Ty, Dự án Công viên Hùng Vương (công viên sinh thái ngập nước); Cầu Văn Thánh (Phan Thiết)…
Đối với chính quyền các cấp đã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Trong đó, UBND tỉnh đã tập trung triển khai công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo phân tích các chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính (SIPAS), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Xanh (PGI) năm 2023 của tỉnh và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện về điểm số và thứ bậc của các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Những kết quả này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền mà còn củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị tại địa phương.
Tăng cường nắm tình hình trong nhân dân
Tại hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2024 vừa qua, đồng chí Đặng Hồng Sỹ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan đến thực hiện dân chủ ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu kỹ, kịp thời. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở một vài cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, chưa đúng thời gian yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt; việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, số hóa các tài liệu, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai… gắn với cải cách hành chính chưa thực hiện đồng bộ, kịp thời. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng hồ sơ hành chính trễ hẹn, nhất là trên lĩnh vực đất đai…
Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Đặng Hồng Sỹ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tổ chức tốt hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo quy định.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ, thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, SIPAS của tỉnh; tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính với phương châm “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân”.
Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả Đề án số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tham gia thực hiện chủ đề năm 2025 của Tỉnh ủy “Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”…
Với những nỗ lực trong thời gian qua, cùng định hướng rõ ràng cho năm 2025, Bình Thuận hứa hẹn sẽ là điểm sáng trong thực hiện quy chế dân chủ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-dan-chu-o-co-so-khang-dinh-vai-tro-trung-tam-cua-nguoi-dan-126996.html