Theo đó, phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) phải trên quan điểm phát triển bền vững, kiến tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Phát triển KTBĐ trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới, thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nghề kinh doanh truyền thống và phi truyền thống.
Phát triển KTBĐ hiện phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước, nhằm góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương, người lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh và du khách. KTBĐ phải là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Phát triển KTBĐ nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm…) và du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc…) diễn ra trong khoảng thời gian từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Việc đề án được thực hiện, đến năm 2030, sẽ thúc đẩy phát triển các hoạt động KTBĐ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, xây dựng Phan Thiết – Mũi Né và các điểm du lịch trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách. Qua đó thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời, lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.
Trong đó, giai đoạn 2023 – 2025 sẽ thực hiện thí điểm KTBĐ tại địa bàn thành phố Phan Thiết trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khuyến khích trong giai đoạn 2024 – 2025, nghiên cứu tổ chức thí điểm KTBĐ tại Phú Quý, nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Giai đoạn 2026 – 2030, từ kết quả thí điểm phát triển KTBĐ giai đoạn 2023 – 2025, hoàn thành định hướng, mô hình phát triển KTBĐ của tỉnh, tập trung phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Phan Thiết, cho phép các địa phương khác chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai trong giai đoạn 2026 – 2030 hoặc sớm hơn theo nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để phát triển KTBĐ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong giai đoạn đến năm 2025, thực hiện thí điểm phát triển mô hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ phát triển KTBĐ tại địa bàn thành phố Phan Thiết ở khu vực dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu (từ Khu du lịch Cà Ty đến Khu du lịch Sài Gòn – Mũi Né), phường Hàm Tiến. Theo đề án nêu, tổ chức, sắp xếp các chuỗi hoạt động phục vụ KTBĐ có sự quản lý của cơ quan nhà nước như: Các loại hình quán ăn đêm, bar, pub, karaoke, điểm biểu diễn văn hóa, văn nghệ, điểm vui chơi về đêm, phố đêm, phố đi bộ… để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài; đồng thời, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối, bãi đỗ xe phù hợp và tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật để thu hút du khách.
Trước mắt, có thể tổ chức thí điểm mô hình KTBĐ ở khu vực này vào các ngày cuối tuần, từ tối thứ sáu đến đêm chủ nhật. Hình thành từ 1 – 2 khu vực thí điểm phát triển KTBĐ tại trung tâm thành phố PhanThiết gắn với phố đêm, phố đi bộ trục đường Nguyễn Tất Thành, 2 bên bờ sông Cà Ty, đường Tuyên Quang, đường Lê Lợi… Nghiên cứu thí điểm tổ chức các hoạt động KTBĐ tại một số khu du lịch, nghỉ dưỡng trọng điểm đáp ứng đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh như: Tổ hợp khu du lịch Thung Lũng Đại Dương, Tổ hợp du lịch Summer Land…
Bên cạnh dịch vụ sẽ có nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật: Biểu diễn thực cảnh, nghệ thuật truyền thống và đương đại, hoạt động điện ảnh, chương trình âm nhạc, trình diễn ánh sáng, thời trang, nhạc nước, lễ hội pháo hoa, lễ hội hóa trang, diễu hành, nghệ thuật đường phố. Hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp: Tổ chức cung cấp dịch vụ thể thao, các hoạt động chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về đêm. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, hình thành các khu vui chơi giải trí quy mô lớn, chợ đêm, phố đi bộ, các show diễn, hoạt động bar/vũ trường; xây dựng khu tổ hợp vui chơi giải trí về đêm riêng biệt, hấp dẫn…; tổ chức lễ hội, chương trình, sự kiện, vui chơi giải trí tổng hợp về đêm có tính chất thường kỳ; khai thác dịch vụ casino và hoạt động vui chơi có thưởng tại những địa điểm đã được cấp phép hoạt động.
Phát triển kinh tế đêm cũng có những hoạt động tham quan du lịch đêm, giải trí, các loại hình tour tham quan thưởng ngoạn thành phố về đêm (kéo dài đến 24 giờ), hình thành các phố chuyên kinh doanh ẩm thực, chợ hải sản, bar, pub ven biển, tổ chức không gian ẩm thực ven biển… Với góc nhìn đa chiều, chính quyền địa phương hướng đến tư duy mở, nhìn nhận đa chiều về vai trò, cơ hội, thách thức của KTBĐ. Theo đó, cần nhìn nhận KTBĐ nếu được quản lý tốt sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác triệt để tiềm năng hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, ẩm thực, góp phần quảng bá văn hóa và con người Bình Thuận.
Định hướng quy hoạch phát triển KTBĐ sẽ tích hợp nội dung phát triển KTBĐ vào trong nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt tại các khu vực có lợi thế như: Thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi…
Những khu chợ đêm.