Trong những năm qua, việc kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc diện phải kê khai tài sản đã được tiến hành thường niên, đảm bảo theo quy định của Đảng, Nhà nước. Việc làm này cũng là một trong những nội dung quan trọng, được Đảng và nhân dân hết sức quan tâm, bởi việc kê khai nếu không trung thực sẽ trở thành 1 trong 9 biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ mặt, điểm tên.
Vẫn còn nhiều bất cập
Mặc dù là việc làm thường xuyên, thế nhưng trên thực tế việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn đang có nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng ở nhiều đơn vị việc kê khai tài sản, thu nhập mang tính hình thức, thậm chí không trung thực trong kê khai tài sản và nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của cá nhân. Đã có không ít những cán bộ, lãnh đạo cấp Trung ương, địa phương vướng vào vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc kê khai tài sản không trung thực.
Những ngày qua, rất nhiều người dân quan tâm đến phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”, gây xôn xao dư luận. Trong lúc dịch bùng phát, Đảng, Nhà nước và toàn dân tìm mọi cách để bảo vệ tính mạng nhân dân; rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng y tế, công an, quân sự, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để xông pha vào tâm dịch cứu người thì cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận hối lộ 42 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Liệu rằng số tiền này họ đã kê khai như thế nào? Hay như, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự có “hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” mà tổng tài sản 29 tỷ đồng gồm căn hộ 15 tỷ đồng, cổ phiếu 5 tỷ đồng, tiền mặt 1,2 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên cho thấy: Có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện và có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã được chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Số liệu trên cho thấy, nếu cấp có thẩm quyền tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập thì tất yếu sẽ lòi ra những cá nhân kê khai không đúng, không trung thực. Bởi, những con số trên chỉ được tiến hành ngẫu nhiên trong số vài phần trăm cán bộ, càng cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực đã và đang là vấn đề đáng báo động.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020-NĐ/CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ quy định nếu người kê khai bị kết luận không trung thực có thể bị cảnh cáo chứ không ở mức khiển trách; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm, nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch… Rõ ràng, đây là một trong những động thái nhằm tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.
Ngăn ngừa hành vi tham nhũng
Tại Bình Thuận, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập đến các cấp, ngành trong tỉnh. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành và đảng ủy, chi bộ, đảng viên được nâng lên, công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện ngày càng nền nếp, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập còn sai phương thức kê khai; kê khai chưa đầy đủ tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định pháp luật; kê khai thiếu những thông tin pháp luật bắt buộc hoặc việc kê khai giá trị tài sản không đúng theo hướng dẫn; giải trình chưa cụ thể phần biến động tài sản thu nhập và giải trình về nguồn gốc của tài sản thu nhập tăng thêm. Nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Quang – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, để tiến hành việc xác minh tài sản, UBKT sẽ thành lập 2 Tổ xác minh tài sản thu nhập, thành phần gồm: Thành viên UBKT Tỉnh ủy làm Tổ trưởng; các thành viên: Đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh và cán bộ, công chức cơ quan UBKT Tỉnh ủy. Tổ xác minh phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và tiến hành xác minh; tiến hành nghiên cứu, kiểm tra, rà soát các bản kê khai tài sản, thu nhập của người xác minh trong danh sách đã được lựa chọn. Làm việc với người được xác minh tài sản, thu nhập để yêu cầu giải trình, làm rõ về tài sản, thu nhập.
“UBKT Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị xem xét kết quả xác minh và ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Thời gian hoàn thành trong tháng 11/2023. Công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập tại tổ chức đã xác minh theo quy định tại Điều 50 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 30/11/2023. Xử lý (hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý) hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/12/2023”, ông Quang nói.
Ông Quang đề nghị, các tổ chức, cá nhân được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm chấp hành quyết định xác minh tài sản, thu nhập của UBKT Tỉnh ủy; cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người được xác minh do đơn vị quản lý theo quy định. Tạo điều kiện, phối hợp với Tổ xác minh trong quá trình thực hiện xác minh đối với người được xác minh tại đơn vị mình.
Được biết, trong năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 14 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát, với số lượng đảng viên được lựa chọn tối thiểu bằng 10%. Trong đó, lựa chọn 37/352 đảng viên có nghĩa vụ kê khai hàng năm thuộc phạm vi kiểm soát tài sản, thu nhập của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.