Từ cuối tháng 9 âm lịch trở lại đây, nhiều nông dân ở huyện Hàm Thuận Bắc bước vào cao điểm chong đèn thanh long vụ tết. Tuy nhiên, dù giá thanh long hiện tại khá cao nhưng họ vẫn lo âu, thấp thỏm.
Chị Lương Thị Thanh Hiền ở xã Hàm Đức có hơn 600 trụ thanh long. Năm nay chị dành 300 trụ để chong đèn thanh long vụ tết. 300 trụ còn lại chị đánh điện sớm đã chín và cho thu hoạch bán với giá 15.000 đồng/kg. Dù giá thanh long hiện tại khá cao nhưng chị vẫn không dám đặt niềm tin vào vụ thanh long tết, bởi giá cả thanh long thường không ổn định, tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Hiện tại giá thanh long vụ nghịch được thương lái đến tận vườn mua dao động từ 13.000 – 17.000/kg tùy vào chất lượng, mẫu mã. Thấy giá cao mình cũng mừng, nhưng sợ đến tết thanh long chín rộ, thu hoạch tập trung, sản lượng nhiều giá sẽ giảm, nếu giá thanh long tết chỉ đạt khoảng 10.000 đồng/kg, thì người trồng không có lãi…”. Chị Hiền chia sẻ.
Hàng năm, ngoài vụ chính ra trái tự nhiên vào mùa mưa, nông dân huyện Hàm Thuận Bắc còn chủ động xử lý cho thanh long ra hoa vào vụ nghịch. Trong đó, vụ thanh long tết được bà con tập trung chong đèn nhiều nhất. Tuy nhiên có năm được mùa, được giá; nhưng cũng có năm được mùa, mất giá do sản lượng tăng, cung vượt quá cầu và thị trường Trung Quốc giảm tiêu thụ. Năm nay, dù diện tích thanh long trong huyện giảm mạnh, nhưng ở các khu vực khác vẫn còn nhiều. Nông dân tập trung xử lý thanh long ra hoa trái vụ để bán vào dịp tết nên dự kiến sản lượng sẽ tăng, do đó đa số người trồng thanh long trong huyện không dám tin vụ thanh long tết sẽ bán được giá cao. Nhất là trong những năm gần đây, giá thanh long tết lên xuống thất thường, có khi giảm mạnh, khiến người trồng thua lỗ.
Theo ông Lương Minh Đạt – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Bắc, tổng diện tích thanh long hiện có ở địa phương khoảng 5.800ha, giảm hơn 3.530ha so với thời điểm trước năm 2019. Toàn huyện đã có 14 mã số vùng trồng thanh long ở 14 xã, thị trấn và 36 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc. Một số mô hình mới và giống mới được thực hiện như: Mô hình trồng thanh long vỏ vàng của Hợp tác xã Trung Bình, tại xã Hàm Đức với diện tích 100 ha; mô hình thanh long tổ yến Ecuador tại thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm với diện tích 3 ha. Ngoài việc áp dụng giống mới trong sản xuất thanh long, một số hợp tác xã còn mạnh dạn đầu tư chế biến các sản phẩm bánh kẹo, rượu, nước giải khát từ trái và hoa thanh long để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ loại trái cây này…