Nếu giá hành thị trường tiếp tục ổn định ở mức 20.000 đồng/kg, như những ngày trong tháng 8/2023 vừa qua, cùng năng suất hành đạt 20 tấn/ha, trừ chi phí, nông dân trồng hành thu lãi 300 triệu đồng/ha. Đó là lời khẳng định của chị Nguyễn Thị Chín – thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc.
Chị Chín chia sẻ: Hơn 2 năm qua, gia đình trồng chuyên canh cây hành lai trên diện tích đất màu 5 sào nằm cạnh sông Khán. Mỗi năm, sản xuất 2 vụ. Vụ thuận mùa mưa và vụ nghịch mùa khô. 5 sào đất, chia làm 2 – 3 đợt xuống giống, với khoảng 2 sào/đợt, thời gian mỗi đợt cách nhau từ 10 – 20 ngày. Với hình thức sản xuất cuốn chiếu như vậy, vừa tận dụng được công lao động gia đình, từ khâu xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch mà không phải thuê thêm nhân công, giảm chi phí, vừa giảm áp lực rủi ro sản xuất khi thời tiết không thuận lợi, cũng như khi thu hoạch gặp thời điểm giá hành thị trường tụt giảm. Mỗi đợt thu hoạch, hành đạt sản lượng từ 1,5 tấn/sào – 2 tấn/sào (1.000m2); nếu gặp thời điểm hành thương phẩm trên thị trường được giá thì bán hết, còn gặp lúc giá hành giảm sâu thì để làm giống. Mỗi sào đất cần khoảng 1,5 tạ hành giống để trồng, với giá khoảng 7 triệu đồng, tùy theo từng thời điểm của giá thị trường. Do đó, nếu không xuất bán hành thương phẩm, hành giống bán cũng có lãi. Ngoài ra, việc sản xuất tuần hoàn, tự tạo nguồn giống tại chỗ, đảm bảo chất lượng, gia đình sẽ chủ động thực hiện lịch thời vụ gieo trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cây hành lai, từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch có thời gian sinh trưởng từ 40 – 45 ngày. Trong quá trình thâm canh, chăm sóc, cây hành cần nhiều nước tưới để phát triển, nhưng chỉ cần đủ độ ẩm, tuyệt đối không để ứ đọng nhiều nước trên mỗi luống hành, bởi nước ứ đọng sẽ gây thối rễ. Chính yếu tố này gây khó cho nhiều nông dân chuyên canh cây hành trong mùa mưa đối với những diện tích đất thoát nước không tốt. Ngoài ra, đất trồng hành cần có nhiều dinh dưỡng, tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt. Trước khi trồng, cần bón lót bằng tro, trấu, sau đó bón thúc bằng cách pha phân vào nước tưới thành 3 đợt. Căn cứ vào độ phì nhiêu của đất cũng như theo dõi sự phát triển của cây hành ở từng giai đoạn sinh trưởng mà tăng hay giảm lượng phân cần dùng cho thích hợp. Đồng thời ngưng tưới phân trước khi thu hoạch từ 7 – 10 ngày. Nhờ nắm vững các yếu tố trên, cùng thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật canh tác hành, nên hơn 2 năm qua gia đình chị Chín sản xuất hành luôn đạt năng suất từ 1,5 – 2 tấn/sào (1.000m2). Chị Chín chia sẻ thêm.
Với giá 20.000 đồng/kg; năng suất hành đạt 2 tấn/sào, với sản lượng 10 tấn, vị tính 5 sào hành chính vụ trong mùa mưa, gia đình chị Chín thu về 200 triệu đồng, trừ tổng chi phí thu lãi 150 triệu đồng. Nhưng nhờ tự tạo hành giống nên lợi nhuận càng cao hơn nhiều. Theo chị Chín, hiện tại hành được giá cao là do nguồn cung thấp; có thể do thời gian qua trời mưa nhiều, hành bị thối rễ và chết nhiều. Cây hành chính vụ mùa mưa, thường cho năng suất cao nhưng chỉ phù hợp với diện tích đất thoát nước tốt. Cây hành vụ nghịch, năng suất thường thấp hơn vụ thuận nhưng do nhiều người sản xuất nên cung vượt cầu nên giá thường thấp hơn.
Bà Lê Thị Hòa – Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Toàn xã có khoảng 50 hộ chuyên canh rau xanh với diện tích 35 ha. Cây hành đang được nhiều nông dân quan tâm, đưa vào sản xuất. Do đó, trong thời gian đến UBND xã sẽ tăng cường công tác phối hợp ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hành cho nông dân nhằm giúp họ phát huy hiệu quả cây trồng này, nâng cao thu nhập gia đình.