Cũng vào tháng 9, nhưng cách đây hơn 30 năm; ngày ấy mẹ tiễn tôi ra bến xe để lên thành phố Đà Lạt học đại học. Vai mang ba lô, tay xách va ly áo quần, sách vở chuẩn bị hành trang cho kỳ nhập học.
Hơn 20 tuổi tôi mới đậu vào đại học, lần đầu tiên phải đi học xa nhà, nên có nhiều bỡ ngỡ lắm. Rồi cũng kể từ đó quê hương, ruộng đồng, nương rẫy, những con đường làng quanh co xa dần, xa dần với cuộc sống hàng ngày của tôi. Ngày ấy, mẹ tôi chỉ ngoài bốn mươi, cái tuổi trưởng thành, mạnh mẽ, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì để lo cho cuộc sống; trang trải cái ăn, việc học cho 8 anh em chúng tôi. Nhưng khi tiễn tôi đi học xa, nước mắt mẹ đã rơi, không cầm lòng được vì nhớ con. Sau này, nghe mẹ kể: Cứ chiều chiều là mẹ nhìn về dãy núi ngang, hướng lên Đà Lạt rồi khóc một mình. Với cái tuổi 20 của mình, tôi đã đủ bản lĩnh và hứa với mẹ rằng: “Con sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, chịu khó học hành và mỗi năm về thăm quê, thăm gia đình, thăm mẹ hai lần vào dịp tết và dịp nghỉ hè. Rồi khi ra trường con sẽ về quê làm việc ở gần và chăm sóc ba mẹ khi tuổi già”. Một câu nói rất thật giữa đời thường, mà đến hôm nay hơn 30 năm xa quê hương tôi chưa thực hiện được. Trong 4 năm học đại học, 2 năm đầu lúc nghỉ hè và nghỉ tết thì tôi đều về thăm quê, thăm nhà; nhưng kể từ năm thứ ba, gánh nặng cơm áo gạo tiền vì các em tôi ngày càng lớn, tuổi ăn tuổi học mà gia đình thì khó khăn, nên việc kiếm thêm tiền để phục vụ cho việc học của mình tôi ý thức là phải tự lo liệu. Vào các dịp nghỉ lễ, tết tôi thường tìm việc làm thêm để kiếm tiền nên ít được về quê thăm mẹ. Đặc biệt là khi ra trường, cầm tấm bằng đại học ngành ngữ văn về quê xin việc, với mong muốn có một công việc gì đó ở quê hương để được sống gần với ba mẹ, rồi sẽ giúp đỡ ba mẹ khi tuổi già. Lúc này, vì không quen biết ai, tiền bạc thì không có nên ba tháng trời ở quê tôi không thể xin được việc làm cho mình. Quay trở lại thành phố Đà Lạt, vào trường đại học xin rút hồ sơ thì được một người đồng hương Bình Thuận giới thiệu cho một cơ quan nhà nước và tôi đã có việc làm, lập gia đình và sinh sống ở thành phố ngàn hoa cho tới tận bây giờ.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, với đức tính nhà quê chịu khó chăm làm, ham học hỏi, tôi đã nhanh chóng hòa nhập, nắm bắt công việc một cách thành thạo và tiến bộ rõ rệt từng năm. Gia đình nhỏ của tôi cũng ổn định từng ngày, các con khôn lớn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Mỗi năm tôi cũng thường xuyên dành ít thời gian trong các kỳ nghỉ phép về thăm quê, thăm mẹ. Và, số lần về thăm quê ngày càng thưa dần theo năm tháng vì tuổi tác lớn dần, rất ngại việc đi xa. Còn mẹ già thì lúc nào cũng da diết mong nhớ, chờ con về.
Năm nay tháng 9 đã đến, đứa con thứ hai của tôi vào thành phố Hồ Chí Minh nhập học. Tiễn con đi học, mà lòng tôi lại bồi hồi, rưng rưng dòng lệ khi phải xa con. Với tâm trạng hiện tại của mình, tôi lại nhớ mẹ vô cùng của hơn 30 năm về trước. Dẫu rằng điều kiện kinh tế bây giờ không còn khó khăn như khi xưa, nhưng khi phải xa con thì người làm cha, làm mẹ nào mà không thổn thức. Nhà thơ Tố Hữu có những câu thơ nhấn mạnh tình yêu bao la, mênh mông, nỗi đau, sự hy sinh, mất mát vì con của người mẹ Việt Nam; song song đó là tình yêu, lòng kính trọng, biết ơn, thương mẹ của người chiến sĩ cũng như đại diện của tấm lòng người con hiếu thảo. Ông viết những câu thơ làm ray rức trái tim của những người con khi nghĩ về đấng sinh thành: “Con đi trăm núi ngàn khe/chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng Bầm/Con đi đánh giặc mười năm/chưa bằng khó nhọc đời Bầm sáu mươi”. Mẹ tôi, bây giờ đã gần 80, các con đã trưởng thành có gia đình riêng và ba tôi thì đã đi xa hơn 10 năm rồi; nên mỗi lần giỗ ba các con về đông đủ, mẹ cứ đi ra, đi vào một cách khó nhọc để điểm danh từng đứa con, đứa cháu và luôn miệng chửi yêu: “Mồ tổ ba bây – lớn hết rồi tao nhận không ra”. Trở lại nơi sinh sống và làm việc sau mỗi đợt về quê giỗ cha, thăm mẹ trong tháng bảy Vu lan, báo hiếu; tôi thường có những đêm thức trắng vì nhớ con đi học xa; tôi lại thấy mình có lỗi với mẹ nhiều lắm, vì tôi đã không thể nào thực hiện được lời hứa “… về quê làm việc ở gần và chăm sóc ba mẹ khi tuổi già”. Mẹ ơi! tha lỗi cho con mẹ nhé.