Những năm qua, xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình là một trong những “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã Phan Lâm đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…
Phan Lâm là xã vùng cao thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Bình. Toàn xã có 645 hộ/2.648 khẩu, tình hình kinh tế – xã hội, an ninh trật tự ổn định, nhưng những năm qua tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn là vấn đề nhức nhối của xã. Song, bằng sự quyết tâm cao đẩy lùi vấn nạn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay thực trạng trên đã có chiều hướng giảm và nhận thức của người dân ngày một nâng lên.
Theo đó, năm 2021 xã Phan Lâm có 8 cặp vợ chồng tảo hôn, năm 2022 giảm xuống 4 cặp và từ đầu năm 2023 đến nay địa phương ghi nhận chỉ còn 2 cặp. Ông Khê Luân Lưu, phụ trách công tác dân số của Trạm Y tế xã Phan Lâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Phan Lâm có 2 cặp tảo hôn với cả nam và nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật, riêng hôn nhân cận huyết thống không xảy ra.
Cả hai cặp đều quen nhau khi cùng đi làm ăn xa, không phải xảy ra trên địa bàn xã. Sau khi phát hiện có thai, họ trở về địa phương… “Các vụ tảo hôn thường xảy ra ở các gia đình có con em bỏ học sớm vì hoàn cảnh khó khăn, đi làm xa rồi quen nhau…Chúng tôi thường xuyên phối hợp với gia đình tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn, sinh con sớm. Nhưng đó chỉ mới từ một phía cha mẹ, còn với các em rất khó tiếp cận khi không có mặt trên địa bàn”, ông Khê Luân Lưu nói thêm.
Tuy còn xảy ra, nhưng có thể ghi nhận, bằng biện pháp tuyên truyền thường xuyên, theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” đã giúp Phan Lâm giảm đáng kể tảo hôn hơn so với các xã lân cận. Địa phương này nhận thức rõ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thể chất của con em. Đặc biệt là các em gái khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên việc quan hệ tình dục, mang thai và sinh con sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, để lại di chứng nặng nề, trẻ sơ sinh bị đẻ non, nhẹ cân, thậm chí có những trường hợp dẫn đến tử vong. Làm mẹ ở tuổi vị thành niên chưa đủ nhận thức và kiến thức nuôi con khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Việc hôn nhân cận huyết thống còn làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật, gây suy thoái chất lượng giống nòi…
Ông Xích Hoàng Tuấn, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Phan Lâm chia sẻ, từ đầu năm đến nay, các ban, ngành, đoàn thể bao gồm tư pháp, hội phụ nữ, cán bộ dân số thuộc Trạm Y tế xã đã liên tục phối hợp tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình… trong cộng đồng dân cư. Cách thức tuyên truyền cả trên loa và trực tiếp đến nhà tư vấn hay lồng ghép trong các cuộc hội họp thôn, đã từng bước mang lại hiệu quả.
Tuy vậy, do đời sống người dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, nên nhận thức về pháp luật và hậu quả nặng nề từ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn hạn chế. Ngoài ra do ảnh hưởng tập tục phải kết hôn để nối dòng; cha mẹ muốn con cái có chồng, có vợ sớm để có thêm người lao động trong gia đình…
Ông Mang Nhu – Chủ tịch UBND xã Phan Lâm cho biết, để kéo giảm nạn tảo hôn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt phát huy vai trò cán bộ ở cơ sở trong tuyên truyền để gia đình và cá nhân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới và các chính sách khác của Nhà nước. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chúng tôi kiên quyết xử lý. “Hàng năm, địa phương có tổng kết, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để đánh giá, qua đó làm cơ sở thực hiện tốt những năm tiếp theo”, ông Nhu nói thêm.