Chất lượng hơn lần đầu
Lần thứ 2, “Tiếng hát đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Bình Thuận” được tổ chức với 113 thí sinh thuộc 86 công đoàn cơ sở trực thuộc liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn cấp ngành vào giờ chót, để minh chứng cho sự nỗ lực cống hiến, hưởng ứng phong trào. Với những ca khúc về quê hương, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu; các ca khúc truyền thống cách mạng, ngành nghề lao động, ca ngợi quê hương Bình Thuận, tổ chức công đoàn, tình yêu đất nước, con người Việt Nam… Mỗi thí sinh đã gần như cống hiến hết mình cho phần thi được đặt để từ niềm tin của đơn vị mình.
Ông Nguyễn Xuân Phối – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nhìn nhận: Đây là lần thứ 2, hội thi được tổ chức với sự nhiệt tình hưởng ứng của các thí sinh, đơn vị đặc biệt là những đoàn viên, công nhân lao động đến từ vùng sâu, vùng xa, huyện đảo Phú Quý. Những đoàn viên, người lao động, dù ở lứa tuổi nào, ngành nghề nào vẫn có niềm đam mê, nhiệt tình với phong trào văn hóa, văn nghệ do tổ chức công đoàn, địa phương phát động.
Nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh – Trưởng ban giám khảo nhìn nhận: “Hội thi lần này đã có sự nổi trội về mặt nội dung và chất lượng chuyên môn. Đặc biệt, điểm mới khi BTC đã mạnh dạn bắt buộc các thí sinh phải thể hiện ca khúc về Bác Hồ. Đây cũng là lần đầu tiên các thành viên BGK phải làm việc xuyên suốt trong thời gian dài liên tục trong 8 buổi thi. Nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh thẳng thắn chia sẻ, ưu điểm của hội thi chính là chất lượng vì đối tượng dự thi được mở rộng nên xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều tiết mục về quê hương đất nước, về Bác Hồ, về nghề nghiệp đặc sắc. Nhiều thí sinh đã biết chọn bài hát, cũng như hòa âm phối khí kết hợp với phong cách biểu diễn bên cạnh việc xử lý sắc thái bài hát tốt nên đã mang đến tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao”.
Vẫn còn những “nốt” lặng
Nếu như xét về quy mô hội thi, BTC đã khá vất vả để chuẩn bị cho chương trình chu đáo, không chỉ chuẩn bị ban nhạc cho thí sinh hát live, tổ chức ráp nhạc nhiều ngày trước khi hội thi diễn ra chính thức. Tạo điều kiện cho thí sinh cũng như hỗ trợ chỗ nghỉ cho thí sinh ở xa.
Hội thi vẫn còn nhiều “nốt” lặng, nhà thơ – nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh, chia sẻ, nếu như các thí sinh thuộc công đoàn viên chức có điều kiện trau dồi, có thời gian tiếp cận tập luyện thì lực lượng người lao động thiệt thòi hơn, không có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật. Trong chọn ca khúc thể hiện cũng vậy, đây là hội thi đơn ca nhưng nhiều thí sinh chọn nhầm bài thể loại hành khúc (dùng hát tốp ca nam hoặc nữ) để thể hiện, nên phần nào chưa thể hiện tốt được tinh thần ca khúc. Dù cuộc thi mang tính phong trào, thí sinh cũng cần chú ý những lỗi sai cơ bản khi thể hiện ca khúc như lỗi chính tả, cao độ, trường độ trong câu hát, phong cách biểu diễn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phần thi.
Trong 8 buổi thi xuyên suốt của hội thi, có điều đáng buồn và với góc nhìn của người làm văn hóa văn nghệ cần phải có sự thay đổi. Suốt hội thi, ngoài buổi khai mạc, bế mạc trao giải thì hội trường đông đúc, có khán giả ủng hộ. Nhưng sau đó, ở những buổi thi khác ngoài trừ BGK, thí sinh và ban nhạc, khán phòng thưa vắng. Thí sinh gần như “độc hành” trong hội thi. Điều đó cũng ảnh hưởng tâm lý của thí sinh, khi chính họ là người được cắt cử đại diện cho chính cơ quan, đơn vị mình. Ngay cả nhạc công chơi cho hội thi cũng chia sẻ: “Ngồi ở trên sân khấu nhìn xuống buồn hiu hắt luôn anh”. Ở bất cứ hội thi, hội diễn, chương trình văn nghệ nào, khán giả chính là nguồn động lực, hưng phấn cho mỗi cá thể trên sân khấu. Đáng tiếc, ở rất nhiều hội thi chúng ta vẫn chưa trọn vẹn được điều đó, không riêng “Tiếng hát đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Bình Thuận” lần thứ 2 – 2023”.
Với hy vọng, hội thi được duy trì, khắc phục những “nốt” lặng để thành “điểm hẹn” lý tưởng hàng năm dành cho đoàn viên công đoàn, người lao động sau những giờ làm việc mệt nhọc, giúp đội ngũ CNVCLĐ hăng say lao động sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của tỉnh Bình Thuận.