BTO-Trong khuôn khổ Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 (từ 20 -27/9), để phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng du khách trong và ngoài nước vui chơi, thưởng thức, ngoài các chuỗi hoạt động chính của tỉnh Tuyên Quang, các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng.
Để hưởng ứng các hoạt động trong khuôn khổ chương trình và lễ hội, các huyện, thành phố đều xây dựng chương trình văn nghệ, thể thao, du lịch hưởng ứng lễ hội.
Tiêu biểu như thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội áo dài, tuyến phố đi bộ…; huyện Yên Sơn tổ chức Liên hoan ca múa nhạc dân tộc…; Lâm Bình tổ chức Giải bóng đá nữ các dân tộc; Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ nhảy lửa của người Pả Thèn, xã Hồng Quang… Chiêm Hóa đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức về cọn nước của người Tày và Lễ hội giã cốm xã Trung Hà…; Hàm Yên tổ chức Liên hoan Ngày hội văn hóa, thể thao của đồng bào dân tộc Mông… Sơn Dương tổ chức Giao lưu các câu lạc bộ Hát Then – Đàn Tính…
Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Yên Sơn đang sôi nổi tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm hưởng ứng Chương trình du lịch “Qua các miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023.
Nổi bật là Giải bóng đá nữ khu vực ATK (mở rộng); thi đấu bóng chuyền hơi tại xã Chân Sơn; giao giao lưu ca nhạc, dân ca, dân vũ; hội thi ca múa nhạc các dân tộc tại hội trường huyện Yên Sơn, trình diễn trang phục dân tộc, đêm hội Trung thu cho các cháu thiếu nhi…
Ông Nguyễn Đắc tiến, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Yên Sơn cho biết: Thông qua các hoạt động hưởng ứng Chương trình du lịch “Qua các miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 sẽ giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch và các sản phẩm nông lâm nghiệp của huyện.
Qua đó mời gọi và thu hút du khách đến với Yên Sơn nói riêng và Tuyên Quang nói chung. Với việc tổ chức đa dạng, rộng khắp, nội dung phù hợp, hấp dẫn, mang tính nghệ thuật cao, chắc chắn sẽ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Thành phố Tuyên Quang, nơi diễn ra nhiều sự kiện chính của Chương trình và Lễ hội, UBND thành phố tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, như: tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo mô hình đèn Trung thu năm 2023, Lễ hội áo dài, giao lưu các Câu lạc bộ dân vũ, khiêu vũ; đồng diễn dân vũ, khiêu vũ; giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian; liên hoan các nhóm nhảy thanh niên; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (xiếc, múa rối) tại phố đi bộ thành phố.
Chị Hoàng thị Thanh Nghiên, 35 tuổi, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi cùng bạn bè đến Tuyên Quang trải nghiệm, chiêm ngưỡng những mô hình đèn khổng lồ tại thành phố Tuyên Quang. Tôi thấy những chiếc đèn lồng chuẩn bị cho lễ hội Trung Thu năm nay tại Tuyên Quang độc đáo, ấn tượng hơn những năm trước. Tôi cùng bạn bè cũng đến huyện Lâm Bình để trải nghiệm đúng dịp huyện tổ chức Giải bóng đá nữ các dân tộc. Các cô gái ở đây đá bóng rất hay, đá xông pha không thua gì nam thanh niên, trang phục cũng rất ấn tượng. Tôi thấy hoạt động này được huyện tổ chức rất ý nghĩa”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Hòa, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 có nhiều chương trình, hoạt động mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp.
Qua đó, Ban Tổ chức kỳ vọng, Lễ hội sẽ tạo ra nhiều “cú hích” phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Tuyên Quang đến với du khách trong và ngoài nước. Các địa phương đều đăng ký nhiều hoạt động, tham gia hưởng ứng sôi nổi với các sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao trải dài trước, trong và sau Lễ hội. Cùng với đó, thông tin về Chương trình và Lễ hội được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực quan sinh động nhằm giúp người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, hưởng ứng, tham gia.