Từng được kỳ vọng sẽ là khu nghỉ dưỡng hấp dẫn thứ 2 của Bình Thuận với hàng loạt resort quy mô đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, nhiều nhà đầu tư đã một đi không trở lại, khiến vùng đất ven biển chạy dài mũi Kê Gà thơ mộng nơi đây khá đìu hiu, hoang tàn.
Chưa tháo gỡ kịp thời
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, khu vực Mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) có 38 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích đăng ký đầu tư 706,9 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.237 tỷ đồng. Trong đó, 13 dự án đã kinh doanh, 11 dự án đang triển khai xây dựng và 14 dự án chưa triển khai. Tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết cũng có 29 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực du lịch; trong đó có 17 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh, 6 dự án đang triển khai xây dựng và 6 dự án thuộc diện chậm triển khai. Việc triển khai đầu tư của một số dự án chưa đảm bảo yêu cầu về tiến độ do từ nhiều nguyên nhân. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các dự án chậm triển khai bên cạnh nguyên nhân vướng mắc liên quan dự án Cảng nước sâu Kê Gà. Ngoài ra, còn từ việc đền bù giải phóng mặt bằng tại đây gặp nhiều khó khăn, kéo dài vì chính sách giá đền bù thay đổi, không thỏa thuận được giá và phải thực hiện thủ tục xét tính pháp lý. Có một số hộ gia đình, cá nhân nhiều năm khiếu nại việc đền bù, tranh chấp đất đai, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ngoài ra, còn có tình trạng tái lấn chiếm của một số hộ dân làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Mặt khác, nhiều dự án ở khu vực ven biển phía nam nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án này phải tạm ngừng triển khai, không thể tác động do Luật Khoáng sản năm 2010. Đến ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung trên chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể, khiến nhiều nhà đầu tư và cơ quan nhà nước gặp lúng túng trong quá trình áp dụng thực hiện. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1277/QĐ-TTG ngày 1/11/2023 thay thế Quyết định số 645, đã đưa vị trí của một số dự án đầu tư tại xã Tiến Thành ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bên cạnh đó, một số dự án sau khi thỏa thuận đền bù xong phần diện tích đất của dân, công trình chưa có trong kế hoạch sử dụng đất nên phải chờ bổ sung kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở thu hồi cho thuê đất theo quy định. Mặt khác, một số dự án phải làm thủ tục chuyển đổi đất rừng, trồng rừng thay thế do đó cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện theo quy định. Không chỉ vậy, nhiều dự án chưa có hoặc phải chờ điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã định hướng thay đổi, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng, điều này dẫn đến các chủ đầu tư không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng dự án. Đến ngày 19/5/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu khu vực Tiến Thành, qua đó đã cơ bản giải quyết được vướng mắc này.
Quyết thu hồi nếu không đủ điều kiện
Thêm một khó khăn nữa, thời gian qua, do các dự án du lịch dọc biển trong quá trình triển khai xin giấy phép xây dựng gặp vướng mắc quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo đó kể từ ngày 1/7/2016 phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền. Do vậy, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án của nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, việc xác định giá đất cụ thể thực hiện nghĩa vụ tài chính còn chậm; chưa linh hoạt trong việc nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, vừa làm vừa lo ngại, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn 2020 – 2021 đã tác động trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn về việc huy động nguồn lực tài chính. Do đó, đã không thể triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, một số nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư, có tâm lý chờ đợi các dự án trong khu vực cùng triển khai, xây dựng cầm chừng đối phó. Đối với những trường hợp này, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Trước đó, trong tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì làm việc, nghe báo cáo về các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành thông báo tiếp tục chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong thẩm định, rà soát, chấm dứt hoạt động các dự án đầu tư chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Trong năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND thành phố Phan Thiết và UBND xã Tiến Thành tiến hành kiểm tra các dự án đầu tư chậm triển khai. Theo đó, có 3 trường hợp nhà đầu tư bị xử phạt hành chính 255 triệu đồng, vì vi phạm tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
“Hiện nay, việc chấm dứt hoạt động đầu tư của các dự án được tuân thủ đầy đủ và thực hiện chặt chẽ theo quy định. Do đó, trường hợp bất kỳ dự án nào đủ điều kiện để chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiên quyết báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương chấm dứt hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, gây lãng phí tài nguyên đất đai”, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
M. VÂN