Nhóm sinh viên Đại học Phan Thiết kết nối với nhóm sinh viên Đại học Sư phạm tọa đàm qua không gian mạng về tình thương yêu của con người.
Sinh viên A. Đại học sư phạm:
– Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước. Ông đã có nhiều bài giảng hay đi vào lòng người về tình thương yêu từ trái tim. Ông thường nhắc lại lời dạy của các thánh nhân, tạo hóa sinh ra loài người – người với người là để yêu nhau. Tình thương yêu tạo ra sức mạnh, sự thánh thiện để con người chiến thắng được thiên nhiên, chiến thắng được cái ác tự thân và ngoại thân!
Sinh viên B. Đại học sư phạm tiếp lời:
– Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ dẫn chứng từ nhà Phật mà ông còn trích dẫn Hồ Chí Minh, coi Người như một vị “Thánh” của tình thương yêu. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự phấn đấu, hy sinh cho tình thương yêu, tình thương yêu mà cảm hóa xã hội, vừa đấu tranh, vừa hướng tới mọi sự tốt đẹp, công bằng, bác ái.
Sinh viên C đại học sư phạm:
– Các thầy cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, các bác sĩ cứu chữa cho người bệnh mà Bác Hồ đã dạy là “Lương y như từ mẫu”, cũng như bao ngành nghề khác đều luôn thấm đậm tình thương yêu.
Sinh viên A. Đại học Phan Thiết:
– Trong tuần, có mấy câu chuyện không vui, xảy ra đây đó về kém tình thương yêu của thầy đối với các trò. Nữ sinh lớp 12 ở trường Đan Phúc, Hà Nội chỉ vì làm cái bánh sinh nhật cho lớp không đúng nơi cô giáo đã chỉ, không trúng mẫu mã bánh cô đã tường, thế là xảy ra to chuyện. Nữ sinh quỳ trước lớp xin cô giáo tha “tội”, rồi ngất xỉu, rồi cô giáo kéo lê em vào lớp với lời lẽ thoát từ miệng cô giáo rất nghịch nhĩ. Sinh nhật là để cho vui, cho ấm áp tình thương yêu mà lại ra nông nỗi này, thì còn gì là tình thương yêu?
Sinh viên A. tiếp tục mạch kể:
– Chưa hết, lại chuyện một thầy giáo dạy Anh ngữ, nhiếc mắng thô bạo, lời lẽ khó nghe một nam sinh trước lớp, xúc phạm nhân phẩm trò, chẳng còn chút gì là tình thương yêu. Học sinh lớp 4 bị cô giáo đánh cho bầm đỏ lưng do làm bài tập cô cho không đầy đủ. Một bác sĩ chuyên khoa ung bướu lừa phỉnh gạ tình thô thiển con gái xinh đẹp của bệnh nhân bị ung thư, chính cô gái tố cáo khi bị dồn đến bước đường cùng. Như vậy thì còn gì là “Lương y như từ mẫu”?
Nhóm trưởng sinh viên Đại học Sư phạm mở điện thoại thông minh đọc lại mấy tin nhắn của một cô giáo mầm non với một nữ phụ huynh – mẹ của bé Minh Tâm chưa đầy 5 tuổi. Một bên là cô giáo một trường mầm non nhắn tin thô thiển, trống không với những nhận xét về bé vô lý, không tình thương yêu. Với một bên là phụ huynh, mẹ của bé lời lẽ lịch sự, nhẹ nhàng. Mỗi ngày học, cô giáo vô cớ nhằm vào má và mông bé mà véo. Đoạn chót, mẹ của bé đành phải gặp cô hiệu trưởng xin cho bé nghỉ học và chuyển lớp.
Nhóm trưởng sinh viên đại học Phan Thiết:
– Những chuyện chúng ta vừa nhắc về sự “bội bạc” tình thương yêu, tuy chỉ là số ít nhưng không còn là cá biệt về sự thiếu chuẩn mực của những người đáng ra phải rất gương mẫu trong ứng xử, thực sự chuẩn mực về tình thương yêu. Uy tín xây đắp cả đời, bỗng chốc tan biến chỉ vì dục vọng cá nhân, chỉ do thiếu kiểm soát, cứ để cho cái ác bản năng trong con người xổ ra.
Dân tộc Việt Nam kiên trung bất khuất, anh hùng, sức mạnh vô song chính là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết và tình thương yêu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Ngành giáo dục – đào tạo, ngành y (và nhiều ngành nghề khác) luôn coi trọng tính văn hóa và sự chuẩn mực trong mọi ứng xử Nhiễu điều phủ lấy giá gương… Những câu chuyện cô thầy bạo lực – xúc phạm trò, bác sĩ phụ tình người bệnh trong cả nước đã được chấn chỉnh, đang được chấn chỉnh, để cái ác không còn chỗ trú chân, cái thiện – cái đẹp luôn được lan tỏa. Chuẩn mực trong ứng xử chính là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh), là bài học của cả đời người, bài học nằm lòng của cuộc đời rất đẹp mà không ít bão tố…