Lợi thế về tài nguyên du lịch, cùng với các yếu tố nguồn lực khác như vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, chiến lược, hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch được đầu tư, phát triển đã góp phần đưa ngành du lịch Bình Thuận đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong những năm qua. Nếu tiếp tục khai thác tốt lợi thế tài nguyên và phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch, sẽ đưa du lịch Bình Thuận phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Nhiều tiềm năng để khai thác cho phát triển du lịch
Bình Thuận có nguồn tài nguyên du lịch phong phú gắn với biển, rừng và đảo, có bờ biển dài 192 km, nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia như: Núi Ông, núi Tà Cú, Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu đa dạng sinh học. Bình Thuận còn có cảnh quan đặc trưng nổi tiếng như: Đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà, suối khoáng nóng Vĩnh Hảo, Đa Kai… Ngoài ra, còn có tài nguyên nhân văn đa dạng, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như: tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự… Đặc biệt là trên địa bàn tỉnh có 34 dân tộc cùng sinh sống như: dân tộc Kinh, Raglay, Hoa, Chăm, Giarai, Cơ Ho… mỗi dân tộc có nền văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực khác nhau tạo cho tỉnh một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Bình Thuận có nhiều cái “nhất” đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Đồi cát bay Mũi Né, Bãi đá Cổ Thạch, Resort – hotel nằm ven biển nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân, Rồng xanh dài nhất, Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng thanh long nhiều nhất… Những thuận lợi về vị trí địa lý, khí hậu cùng nhiều tài nguyên du lịch đã tạo nên thương hiệu du lịch của Bình Thuận, là động lực thúc đẩy ngành du lịch Bình Thuận phát triển.
Dấu ấn của du lịch Bình Thuận bắt đầu từ ngày 24/10/1995, khi sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra đã thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về Phan Thiết chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, trong đó có không ít doanh nhân trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và họ đã phát hiện ra tiềm năng phát triển du lịch ở nơi đây. Kể từ đó, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, quý giá đang tiềm ẩn ở một vùng đất biển ít người biết đến đã được khám phá, khơi dậy và đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển
Trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên các cấp, các ngành. Địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đã được tỉnh quan tâm coi trọng. Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin truyền thông… tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian tới ngành du lịch Bình Thuận sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là trục đường ven biển, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch. Phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch, phát triển mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Phát triển thị trường, xúc tiến giới thiệu các sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng đối với phát triển du lịch bền vững nhất là về bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Nhìn lại sự phát triển của du lịch Bình Thuận trong những năm qua cho thấy, du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tiến bộ, giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Du lịch phát triển còn làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, hạ tầng đường sá, điện nước, thông tin liên lạc phục vụ du lịch cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở các vùng du lịch. Mặt khác, du lịch phát triển góp phần gìn giữ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, làm đẹp thêm cảnh quan và cải thiện môi trường và góp phần nâng cao trình độ dân trí của nhân dân. Đến nay, du lịch Bình Thuận đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận.
Thành phố biển Phan Thiết với điểm nhấn là Mũi Né – Hòn Rơm đã được du khách xa gần gọi tên là thiên đường nghỉ dưỡng và thủ đô Resort. Du lịch Bình Thuận với thương hiệu biển xanh – cát trắng – nắng vàng đã vươn xa, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tin tưởng của du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước. Đến nay, Du lịch Bình Thuận đã định vị được thương hiệu du lịch Mũi Né trên bản đồ du lịch thế giới, các chỉ tiêu về du lịch không ngừng tăng lên qua các năm.
Phải khẳng định rằng, trong những năm qua các doanh nghiệp du lịch có vai trò nòng cốt, động lực đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng cao. Từ đó các doanh nghiệp du lịch đã góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tích cực bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/nguon-luc-tai-nguyen-tiem-nang-lon-cho-phat-trien-du-lich-125432.html