Ủng hộ tuyệt đối chủ trương dự án hồ thủy lợi Ka Pét, song người dân có đất sản xuất trong lòng dự án mong muốn ngành chức năng quan tâm bồi thường bằng đất chứ không phải bằng tiền để có sinh kế bền vững. Đó là nguyện vọng của cử tri xã Mỹ Thạnh đề đạt với đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc mới vừa diễn ra.
Mong được đổi đất lấy đất
24 hộ dân ở thôn 1, xã vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có đất sản xuất trong lòng Dự án hồ thủy lợi Ka Pét, xác định mình phải chuyển đi nơi khác sản xuất nhường chỗ cho hồ Ka Pét từ nhiều năm qua. Vì hồ Ka Pét mang ý nghĩa lớn, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và du lịch, dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh xác định ấy, họ cũng lo, nếu nhường chỗ cho dự án thì mình lấy đất đâu để lo sinh kế sau này. Bởi đặc thù người vùng cao sống bằng nghề nông, nên đất – tư liệu sản xuất ví như “cần câu cơm” quan trọng. Nếu thiếu hoặc không có nó thì cuộc sống trở nên khó khăn. Chính vì thế, họ mong Nhà nước khi thu hồi đất làm hồ Ka Pét thì hoán đổi đất lấy đất chứ không bồi thường bằng tiền.
“Nếu Nhà nước đền bù bằng tiền, e rằng sẽ không mua lại được miếng đất khác như vậy vì giá đất trên thị trường hiện nay rất cao. Hơn nữa mình sợ có tiền trong tay con cái đòi hoặc người thân, bạn bè vay mượn, nếu không cho thì mất tình cảm. Nếu cho mượn, đồng nghĩa trắng tay… nhưng bồi thường bằng đất thì cuộc sống ổn định hơn”, ông Trần Thanh Tuấn, thôn 1 Mỹ Thạnh có 1,1 ha đất trong lòng hồ bị giải tỏa cho biết.
Ngoài ông Tuấn, những hộ khác cũng trong tâm trạng, muốn nhận đất chứ không nhận tiền bồi thường. Ông Trần Văn Vương – Trưởng thôn 1, nơi có 187 hộ/468 khẩu chia sẻ: “Nhiều lần họp dân lấy ý kiến về việc giải tỏa đền bù, đa phần hộ dân đồng tình với chủ trương xây hồ Ka Pét ở đây, nhưng họ mong muốn đền bù bằng đất chứ không bằng tiền”.
Những mong muốn ấy, họ đã kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri ba cấp, tỉnh, huyện. UBND xã đã đề nghị UBND tỉnh, huyện cũng như ngành chức năng có liên quan xem xét nguyện vọng của cử tri. Ông Trần Văn Quảng – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, người trực tiếp thống kê và theo dõi tình hình liên quan Dự án hồ Ka Pét cho biết: Qua kiểm tra, rà soát và thống kê diện tích đất của các hộ dân có đất nằm trong Dự án hồ thủy lợi Ka Pét, có 24 hộ đang canh tác bắp, mì, lúa, điều, tràm ổn định trên diện tích hơn 18 ha. Các hộ dân không muốn bồi thường bằng tiền mà nguyện vọng của họ muốn hoán đổi đất lấy đất để canh tác, ổn định cuộc sống gia đình. Riêng tài sản gắn liền trên đất họ thống nhất đền bù bằng tiền”.
Nguyện vọng chính đáng
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, người dân tiếp tục kiến nghị. Các đại biểu nhận thấy, đây là kiến nghị chính đáng, nếu ai ở trong hoàn cảnh này cũng vậy. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội yêu cầu các sở, ngành, địa phương quan tâm đến vấn đề này vì đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng nếu không có nó để sản xuất, đồng nghĩa người dân không làm chủ được chính mình. Đồng thời thông tin thêm, dù người dân có đất sản xuất hay không có đất thì Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm, huống hồ thu hồi đất làm dự án dân sinh quan trọng hoặc trọng điểm quốc gia. Tôi sẽ đặc biệt chú ý vấn đề này đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng chí Dương Văn An nhấn mạnh.
Được biết, Dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư từ tháng 11/2020 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023. Là một trong những công trình ưu tiên đầu tư theo chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ. Dự án còn nằm trong quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Bộ NN và PTNT.
Quy mô dự án gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương gần 520 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2019 – 2025. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là gần 698 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 680 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 18,01 ha.
Khi hoàn thành sẽ là hồ thủy lợi thứ 50 của tỉnh, cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết, phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.
UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, Quỹ đất do xã quản lý đã đưa ra ngoài quy hoạch ba loại rừng với diện tích 97,76 ha, trong đó nằm trong dự án lòng hồ 40,72ha, diện tích rẫy cũ của bà con 0,502 ha… Do đó đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hoán đổi cho các hộ, số còn lại lấy làm quỹ đất 5% của địa phương.