Xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri cùng với những trăn trở về các giải pháp phát triển toàn diện kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là ngành thủy sản, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã nỗ lực xây dựng các quyết sách phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.
60% chủ tàu không đóng phí thuê bao
Bình Thuận hiện có 1.949 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Đến nay, toàn tỉnh có 1.941/1.949 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 100%; số tàu cá chưa lắp đặt VMS là 8 tàu do ngừng hoạt động (hư hỏng nằm bờ chờ bán 3 tàu, chờ thi hành án 5 tàu). Theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, thiết bị VMS lắp trên tàu cá buộc phải mở máy 24/24 kể từ khi tàu rời bến đi hoạt động trên biển cho đến khi về lại cập bến. Việc duy trì hoạt động thường xuyên thiết bị VMS ngoài việc tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thủy sản, đáp ứng điều kiện gỡ “Thẻ vàng” của EC, còn giúp cho các cơ quan quản lý tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng, chống khai thác IUU. Đặc biệt là theo dõi, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, các thuyền nghề giã cào (gồm giã cào bay) hoạt động sai vùng khai thác.
Thuận tiện là vậy, nhưng những năm gần đây nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, giá xăng dầu biến động tăng, sản phẩm hải sản Việt Nam đang bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, nên nghề khai thác hải sản đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều tàu cá có nguy cơ nằm bờ dài hạn do thiếu chi phí hoạt động và thiếu lao động biển. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển khá phổ biến, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, tiềm ẩn nguy cơ cao tàu cá vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Một trong những nguyên nhân là do các chủ tàu gặp khó khăn về kinh phí, hoạt động không hiệu quả. Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, từ đầu năm 2022 đến nay có gần 40.000 lượt tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển. Trong đó, mất kết nối do chủ tàu không đóng phí thuê bao chiếm khoảng 60%.
Theo số liệu thống kê từ các nhà cung cấp dịch vụ, số tàu hết phí dịch vụ thời điểm ngày 16/8/2024 là 485/1.941 tàu lắp thiết bị VMS. Khi các chủ tàu cá không đóng phí thuê bao dịch vụ vệ tinh đúng hạn, đơn vị cung cấp thiết bị VMS sẽ ngắt kết nối thiết bị VMS dẫn đến dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá khai thác kém hiệu quả, công tác phòng, chống khai thác IUU gặp nhiều khó khăn. Việc tàu cá mất kết nối thiết bị VMS khi hoạt động trên biển không những ảnh hưởng đến những cố gắng, nỗ lực trong phòng, chống khai thác IUU của các ngành, các cấp mà còn tiềm ẩn những rủi ro về tính mạng và tài sản cho chính các chủ tàu và người lao động, nếu xảy ra sự cố về tàu hoặc các tình huống bất thường của thiên tai vì không có thiết bị để trợ giúp.
Chính sách mang ý nghĩa lớn
Bám biển vươn khơi trong sự an tâm, không chỉ là nguyện vọng của riêng ngư dân, mà còn là mong muốn của các cấp, ngành để đồng hành cùng bà con trong hành trình phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Để lắp đặt và duy trì hoạt động thiết bị VMS là rất khó khăn đối với ngư dân, ngoài tiền mua máy bình quân từ 18 – 25 triệu đồng/máy, ngư dân còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 350.000 – 435.000 đồng/máy (bình quân 381.000 đồng/máy) tùy nhà cung cấp dịch vụ, đã tạo thêm áp lực về kinh phí vươn khơi, bám biển của ngư dân trên địa bàn.
Trước sự cấp thiết đó, tại kỳ họp thứ 28 (chuyên đề) – HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao VMS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghị quyết quy định mức hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS là 175.000 đồng/1 tháng/1 tàu, gần bằng 50% mức phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS hàng tháng hiện nay. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho khoảng 1.950 tàu trong 3 năm là 12,285 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 4,095 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nhận được thông tin, nhiều chủ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vui mừng, bởi hành trình bám biển vươn khơi luôn có Nhà nước và các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ. Anh Nguyễn Văn Thanh – một trong những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ phường Đức Thắng không khỏi phấn khởi với chính sách hỗ trợ trên. Anh Thanh chia sẻ: “Thông qua báo đài, tôi biết được thông tin trên, rất vui mừng mặc dù chỉ được hỗ trợ 50% kinh phí cước thuê bao, nhưng đó là sự động viên rất lớn để ngư dân vươn khơi bám biển. Trước đó, chúng tôi đã được hỗ trợ phí lắp thiết bị VMS 10 triệu đồng/thiết bị, nay lại được hỗ trợ cước thuê bao hàng tháng, thật sự chúng tôi rất an tâm khi duy trì kết nối VMS 24/24, trong trường hợp tàu có sự cố hoặc các thuyền viên trên tàu gặp vấn đề về sức khỏe, gặp thời tiết xấu, chúng tôi sẽ được hỗ trợ kịp thời”.
Ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định: “Việc ban hành chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS trên địa bàn tỉnh mang ý nghĩa lớn, nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, cùng với cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” EC, tiến tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Đồng thời, việc duy trì VMS trên biển còn góp phần hỗ trợ thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển và hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ngu-dan-phan-khoi-khi-duoc-ho-tro-phi-thue-bao-vms-tu-nam-2025-125899.html