Hôm nay (21/12), Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” đã diễn ra tại Hà Nội, được truyền trực tuyến đến tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc.
Tham dự sự kiện này có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và một số tập đoàn lớn… Dự Phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước ở điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh, mở ra cơ hội để chúng ta đẩy mạnh huy động các nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, trong thành tựu to lớn chung của đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế và đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài…
Tham luận tại Phiên toàn thể, các Đại sứ Việt Nam (tại Hoa Kỳ, Bỉ và EU, Ả – rập Xê – út), Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á – Bộ Ngoại giao đã trình bày nhiều nội dung liên quan. Như về triển vọng kinh tế thế giới, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ; Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu Việt Nam vào thị trường châu Âu; Thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư quốc gia khu vực Trung Đông; Biện pháp làm sâu sắc hợp tác kinh tế Việt – Trung và tranh thủ các sáng kiến mới cho phát triển hạ tầng chiến lược… Ngoài ra, lãnh đạo một số tỉnh thành (TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel còn tham gia tham luận về lĩnh vực thế mạnh, tiềm năng trong ngoại giao kinh tế của địa phương, đơn vị mình.
Tại đây, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng tham gia thảo luận, đánh giá về ngoại giao kinh tế, tăng cường phối hợp triển khai, định hướng đem lại hiệu quả cho công tác này…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong công tác ngoại giao, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả. Nắm chắc tình hình để tham mưu Đảng – Nhà nước xây dựng và thực hiện đường lối ngoại giao kinh tế phù hợp xu thế. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, bảo đảm độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp.
Năm 2024 sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do vậy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác ngoại giao cần phải có sự chủ động, sát tình hình mới, có tầm nhìn chiến lược. Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng – Nhà nước và tập trung vào các khâu trọng tâm, trọng điểm với quan điểm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Cùng với đó cần phát huy tính tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo cũng như tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương…