Tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Nhờ đó, số lượng các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tăng nhanh, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh, môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy. Đặc biệt tỉnh đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành như công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và các sản phẩm lợi thế được quan tâm thực hiện. Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm. Các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến du lịch đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân. Định kỳ hàng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp mặt với các doanh nhân, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công tác thành lập các tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp được triển khai tích cực, đạt kết quả. Từ đó, đội ngũ doanh nhân của tỉnh phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc. Đặc biệt là ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của mình trên trường quốc tế.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp
Phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, từ đó thúc đẩy những lĩnh vực cần tập trung phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Chính vì thế các doanh nhân của tỉnh luôn đồng hành cùng với tỉnh để cùng thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước theo những định hướng lớn. Quan điểm của tỉnh là luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghị quyết số 41- NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng. Đó là, đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghị quyết còn nêu rõ trong giải pháp là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ.
Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết trên, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, nhất là về định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các quy định quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ, thương hiệu sản phẩm, quyền tự do kinh doanh, chính sách tài chính công, thuế, tài nguyên, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng… để doanh nghiệp, doanh nhân nắm bắt đầy đủ, thực hiện có hiệu quả. Tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền các cấp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành, rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan chức năng, công chức, viên chức nhà nước với doanh nhân, doanh nghiệp…