Sinh hoạt giao lưu giới thiệu phát triển văn hóa hiện nay là một nhu cầu hết sức cần thiết với những học sinh dân tộc ít người ở các trường dân tộc nội trú. Vừa qua, Trường Vinschool Times Hà Nội (Vinschool) có tiết Việt Nam học, nên học sinh muốn tìm hiểu văn hóa của các dân tộc Việt Nam, và đã liên hệ, đặt vấn đề giao lưu với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận (PTDTNT) với chủ đề “Lễ hội văn hóa Chăm”.
Sau khi đã thỏa thuận giữa hai trường là giao lưu bằng hình thức trực tuyến. Nếu bây giờ đưa học sinh đi gặp mặt giao lưu với khoảng cách cả ngàn cây số thì vô cùng tốn kém. Thứ hai vừa qua, tôi chứng kiến buổi giao lưu diễn ra khoảng 60 phút trên sóng trực tuyến. Lúc ban đầu Trường Vinschool hy vọng Trường PTDTNT cung cấp được một số thông tin về sinh hoạt của dân tộc Chăm. Nhưng thực tế diễn ra học sinh Trường PTDTNT tỉnh tổ chức giao lưu vượt trên cả mong muốn. Các em không chỉ trao đổi qua lại mà háo hức xây dựng kịch bản giới thiệu quảng bá bản sắc văn hóa Chăm với bạn bè. Kịch bản có phần tái hiện lại những nét độc đáo của Lễ hội Katê, một lễ hội truyền thống mang đầy bản sắc dân tộc Chăm ở Bình Thuận với hai phần lễ và hội. Các em tham gia diễn xuất hết sức hồn nhiên và sôi nổi, lôi cuốn, thuyết phục.
Ở phần lễ, các em xây dựng được khoảnh khắc thiêng liêng, nơi đồng bào Chăm thể hiện lòng tôn kính với các vị thần linh như thần Siva, nữ thần Po Nagar và tổ tiên qua các nghi thức trang nghiêm. Các em giới thiệu thêm nghi thức tiêu biểu gồm rước y trang nữ thần, lễ mở cửa tháp, và lễ dâng lễ vật. Các em diễn giải cho các bạn ở Trường Vinschool hiểu được những nghi thức này là sự kết nối tâm linh, truyền tải giá trị truyền thống về cội nguồn dân tộc. Sau giới thiệu một trích đoạn phần lễ là giới thiệu phần hội, các em biểu diễn sắc màu văn hóa Chăm làm bừng sáng qua các hoạt động nghệ thuật và vui chơi, như những điệu múa quạt, múa đội nước, cùng âm thanh đặc trưng của trống Ghi-năng và đàn Kanhi, những trò chơi dân gian.
Giới thiệu trang phục truyền thống trong Lễ hội Katê được thiết kế với màu sắc rực rỡ, mang ý nghĩa tôn vinh văn hóa và tín ngưỡng của người Chăm để học sinh Trường Vinschool mục thị cụ thể: Nam giới trang phục áo dài trắng cùng khăn đội đầu truyền thống, biểu trưng cho sự trang nghiêm và thanh khiết. Nữ giới nổi bật với chiếc áo dài, váy thổ cẩm, được thêu dệt thủ công bằng những hoa văn tinh xảo. Đặc biệt, chiếc khăn quấn đội đầu không chỉ là phụ kiện mà còn là biểu tượng cho sự duyên dáng và phẩm chất cao quý của người phụ nữ Chăm.
Các em giới thiệu nhạc cụ trong Lễ hội Katê để tạo nên âm hưởng đặc trưng cho lễ hội là phần không thể thiếu. Đó là những nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc Chăm: Trống Ghi năng, kèn Saranai, trống Paranưng, thường xuất hiện trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội cộng đồng cũng như các hoạt động nghệ thuật dân gian. Khi đem ra biểu diễn các em đều thuyết minh từng đặc điểm và tác dụng của mỗi loại nhạc cụ. Trong giao lưu lần này các em còn mời được nghệ nhân làm đồ gốm người Chăm là Lương Thị Hòa đến từ làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình. Trong vòng 60 phút giao lưu đó, cô Hòa đã làm xong một sản phẩm đưa ra mọi người không khỏi khâm phục và trả lời các câu hỏi: Nguyên liệu để làm gốm gọ Bình Đức là gì? Làng gốm gọ Bình Đức thường sản xuất các sản phẩm nào? Cách nung gốm ở Bình Đức có điểm gì đặc biệt?
Sau phần giới thiệu qua tiết Việt Nam học ở Trường Vinschool và giới thiệu Lễ hội và văn hóa Chăm, học sinh hai trường hỏi đáp trực tiếp. Học sinh Trường Vinschool đặt ra những câu hỏi cũng hết sức thú vị để hiểu thêm về văn hóa đồng bào Chăm như: “Dân tộc Chăm tổ chức xã hội theo chế độ mẫu hệ, vậy vai trò của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng được thể hiện như thế nào trong xã hội hiện đại ngày nay?”. Học sinh Chăm trả lời cũng rất thấu đáo: “Theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ Chăm giữ vai trò trung tâm trong gia đình và cộng đồng. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ vẫn quản lý tài sản, truyền thừa văn hóa, và tham gia các hoạt động kinh tế. Phụ nữ Chăm cũng đóng góp tích cực vào các lễ hội, hoạt động xã hội, giáo dục, và đảm nhận vai trò lãnh đạo”… Học sinh Trường Vinschool: “Dân tộc Chăm tổ chức xã hội theo chế độ mẫu hệ, vậy vai trò của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng được thể hiện như thế nào trong xã hội hiện đại ngày nay?”. Trả lời: “Chế độ mẫu hệ thể hiện qua nhiều phong tục đặc trưng, như trong hôn nhân, con gái đóng vai trò chủ động và sau khi cưới, chồng sẽ về sống tại nhà vợ. Về thừa kế, tài sản, đặc biệt là đất đai, thường được truyền lại cho con gái út. Trong tín ngưỡng, phụ nữ đảm nhận vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo, điển hình như lễ Katê”…
Nhìn qua phía đầu cầu trực tuyến Trường Vinschool, thấy không chỉ có học sinh với thầy cô, mà còn có cả phụ huynh tham dự ngồi theo dõi tiết học giao lưu văn hóa của con em mình. Có thể xem đây là phương thức một mô hình giao lưu văn hóa khá mới mẻ nhưng rất hiệu quả, cần được ghi nhận và nhân rộng. Và tôi lại nghĩ, những sinh hoạt thế này rất cần sự tiếp sức của ngành văn hóa và du lịch địa phương.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/net-moi-giao-luu-van-hoa-o-truong-dan-toc-126308.html